Dân Việt

Chủ doanh nghiệp vận tải tăng giá vé từ 10-26% vì sao?

Chinh Hoàng 05/04/2022 11:39 GMT+7
Liên tục bù lỗ trong khoản thời gian giá xăng xầu leo thang, nhiều doanh nghiệp vận tải ở các bến xe trung tâm TP.HCM tăng giá vé từ 10 đến 26%.

Buộc tăng để duy trì

Ghi nhận tại bến xe Miền Đông những ngày qua, một số doanh nghiệp vận tải neo đậu tở đây đã tăng giá vé từ 10 đến 26%. 

Lý giải về điều này, nhiều chủ nhà xe cho rằng "việc tăng giá để phù hợp với mức giá xăng dầu hiện tại, hơn hết để giữ chân khách, lời lãi không được nhiều".

Chủ doanh nghiệp vận tải tăng giá vé từ 10 đến 26% vì sao? - Ảnh 1.

Hiện có 45 trên tổng 153 doanh nghiệp vận tải đăng ký neo đậu tại bến xe Miền Đông tăng giá vé từ 20 đến 26%. Ảnh: Chinh Hoàng

Ông Đinh Thành Đức, chủ nhà xe tuyến Nha Trang (Khánh Hòa) đi bến xe miền Đông cho biết, giá vé tuyến này đã tăng 50.000 đồng/vé. Theo đó, vé giường nằm loại 20 giường từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng, vé giường nằm loại 40 giường từ 210.000 đồng lên 260.000 đồng.

Chủ doanh nghiệp vận tải tăng giá vé từ 10 đến 26% vì sao? - Ảnh 2.

Hành khách ở bến xe Miền Đông. Ảnh: Chinh Hoàng

"Tăng giá cước thì mất khách, không tăng thì lỗ vốn. Giờ tôi chỉ hy vọng giá dầu giảm xuống để doanh nghiệp tồn tại chứ nếu cứ cao như thế này thì sớm muộn chúng tôi không trụ nổi", ông Đức bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Thanh, hành khách mua vé xe giường nằm từ bến xe Miền Đông đi Đắk Lắk, cho hay giá vé 250.000 đồng/lượt, trong khi trước đó giá vé chỉ 220.000 đồng/lượt. "Giá vé xe tăng do giá nhiên liệu tăng nên tôi cũng thông cảm" - anh Thanh nói.

Còn ông Phạm Thanh Duyên (52 tuổi), chủ hãng xe Duyên Hà chạy tuyến bến xe Miền Đông đi Đắk Nông cho biết, đã điều chỉnh giá vé tăng thêm 20.000 đồng một vé (tăng 15%) so với giá cũ. Như vậy, mỗi vé xe từ 130.000 đồng đã tăng lên 150.000 đồng. 

Hiện mỗi xe của hãng xuất bến chỉ có 15 khách, doanh thu chỉ bằng 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

"Cách đây một năm, chi phí mỗi chuyến xe 2,5 triệu đồng tiền dầu. Năm nay, tiền dầu tăng lên 4 triệu mỗi chuyến, trong khi giá vé vẫn giữa 130.000 đồng thì doanh nghiệp toàn bù lỗ. Việc tăng giá cũng không giúp chúng tôi có lãi vì khách vẫn ít. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải chạy vì nếu tạm ngưng thì sẽ mất khách", ông Duyên chia sẻ.

Doanh nghiệp không cầm cự nổi nếu giữ nguyên giá vé

Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Đông Tạ Chương Chín cho rằng việc doanh nghiệp tăng giá vé là hợp lý bởi chi phí nhiên liệu chiếm 20-30% cơ cấu giá vé trong hoạt động vận tải hành khách.

Chủ doanh nghiệp vận tải tăng giá vé từ 10 đến 26% vì sao? - Ảnh 4.

Khách mua vé tại bến xe Miền Tây. Ảnh: Chinh Hoàng

"Giá xăng tăng cao đã tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải, nhất là sau dịch Covid-19. Hành khách thưa thớt, nhiều hãng xe phải hoạt động cầm chừng, bù lỗ nhiều tháng ròng. Do đó, với nhiều lần giá xăng dầu tăng, nếu không tăng giá vé, doanh nghiệp sẽ không cầm cự nổi" - ông Chín nói.

Theo ông Chín, hiện lượng hành khách qua bến mỗi ngày chỉ 6.000 lượt, đạt 40% so với ngày thường trước khi có dịch. Do đó, mức tăng giá cước đợt này trung bình khoảng 26% là không cao, chỉ đủ giúp doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Còn ông Trần Văn Phương - Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) - cho biết, tại bến hiện có 46/127 doanh nghiệp kê khai tăng giá vé từ 10-20%. 

"Việc tăng giá cước nhằm giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn sau dịch bệnh và người dân cảm thông, chia sẻ để doanh nghiệp dần hồi sinh" - ông Phương nói.

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) - cho rằng, mức tăng giá cước từ 10-26% của các doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, số doanh nghiệp kê khai tăng giá vé chiếm 30-50% tổng số doanh nghiệp không phải là nhiều, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng.

"Sở GTVT sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các bến xe để xem các đơn vị vận tải có để mức giá đúng như đã đăng ký hay không. Nếu doanh nghiệp nào tăng quá giá đã kê khai với cơ quan quản lý thì sẽ bị xử lý nghiêm" - ông Hải nói.