Bản nhỏ Tặng Phăn nằm cheo leo trên đồi cao của xã Na Ngoi. Con đường dẫn vài bản cũng lắm gian nan. Nhà của cô bé Lầu Y Dở nằm nép bên một con đường mòn quanh co. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, Lầu Y Dở còn bị tật nguyền, bố mẹ lại đau ốm thường xuyên nên 7 anh chị em của Y Dở luôn đói ăn mặc rét. Và với khuyết tật ở chân, cộng với gia cảnh quá nghèo khó, nhiều lần Y Dở đã bỏ học. Nhưng rồi, sự quan tâm của các thầy cô, và đặc biệt là sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Na Ngoi mỗi tháng 500 ngàn đồng, con đường đến trường của Lầu Y Dở đã không bị gián đoạn. Sự động viên ấy cũng mang lại nụ cười, niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu thương của cuộc đời.
“Sống trong đói nghèo, thiếu thốn thì ở Phù Khả 2 này, hay là ở Na Ngoi không phải là hiếm”, ông Mùa Chồng Chà, Trưởng bản Phù Khả 2 chia sẻ. Cả xã Na Ngoi tỷ lệ hộ nghèo cũng tương tự như bản Phù Khả 2, hơn 50%. Phù Khả 2 có 64 hộ, hơn 380 nhân khẩu thì có đến gần 40 hộ nghèo. Cái đói cái nghèo khiến những đứa trẻ cũng phải lớn lên trong thiếu thốn đủ bề.
Song, nhiều số phận trẻ thơ không chỉ thiếu thốn về vật chất, mà còn cả về tinh thần. Rất nhiều hoàn cảnh trẻ em nơi đây không còn bố, mẹ hoặc bị bỏ rơi, phải sống nhờ vào ông bà, họ hàng, hoặc các “bố nuôi” là chiến sỹ biên phòng, là cán bộ Quân đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng đóng quân trên địa bàn.
Để tìm hiểu rõ hơn những băn khoăn về số phận, cuộc sống của trẻ em ở vùng biên viễn này, chúng tôi hẹn gặp Trưởng bản Phù Khả 1 Lầu Bá Khùa. Anh cho hay, cả bản Phù Khả 1 chỉ có 31 hộ với hơn 200 nhân khẩu, song có tới 17 hộ nghèo. Cha mẹ nghèo nên con cái cũng đói khổ. Nhiều em còn khổ hơn nữa do thiếu bố, thiếu mẹ hoặc thiếu cả hai, phải sống nhờ ông bà già yếu như trường hợp các cháu của ông Chồng Của.
Nói rồi, trưởng bản dẫn chúng tôi sang ngôi nhà nằm ven đường. Thật trùng hợp khi chúng tôi đến thăm nhà ông Chồng Của đúng lúc "bố nuôi" của 3 đứa cháu mồ côi của ông Chồng Của đang kèm cho các con học bài. Cạnh chiếc bàn đặt giữa gian nhà đẹp nhất, ba đứa trẻ ngồi quanh người đàn ông mặc quân phục chỉnh tề và ngoan ngoãn, vui vẻ học bài dưới sự hướng dẫn của “bố Kiên”.
Ông Chồng Của giới thiệu, bộ đội Kiên công tác ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, là "bố nuôi" của 3 đứa cháu đã nhiều năm nay. Các cháu nội của ông, lần lượt là Lầu Y Dì đang học lớp 8, Lầu Bá Lý đang học lớp 7 và Lầu Bá Đà học lớp 5. Trong ba đứa cháu của ông Chồng Của, cậu bé Lầu Bá Lý là quấn quýt với "bố nuôi" nhất. Được gặp "bố nuôi", tay vân vê quân hàm trên vai và luôn miệng gọi bố Kiên, rồi cậu vui vẻ đọc bài dưới sự hướng dẫn của người chiến sỹ biên phòng.
Đã hơn 5 năm nay, từ khi bố của bọn trẻ mất, mẹ đi lấy chồng khác, rồi bỏ đi biệt tích chưa một lần về thăm các con, ba đứa cháu của ông rơi vào tình cảnh mồ côi. Ông Chồng Của sinh năm 1968, sức khỏe cũng đã sa sút nên chật vật trong chăm nuôi các cháu.
“Các cháu của tôi được ăn học đến nơi đến chốn là nhờ các "bố nuôi" ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4. Không chỉ hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng mỗi cháu, mà các chiến sỹ còn thường xuyên quan tâm, đến nhà chỉ bảo các cháu học hành. Còn tặng các cháu xe đạp để đến trường. Đứa nào cũng quý các "bố nuôi". Bố cũng xem các bộ đội như là con cái trong nhà” - ông Chồng Của bộc bạch.
Cho biết về hoạt động giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị, Đại tá Chu Huy Lương - Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 cho biết, trong 5 năm qua đơn vị đã nhận đỡ đầu 32 cháu. Hầu hết các cháu đều là trẻ mồ côi, hoặc gia đình đặc biệt khó khăn khiến các cháu có nguy cơ phải bỏ học. Ngoài mỗi tháng hỗ trợ tiền, cán bộ chiến sỹ trực tiếp phụ trách kèm cặp các cháu học hành, đơn vị còn tặng quà động viên các cháu thường xuyên, nhất là dịp lễ, Tết.
Ở Na Ngoi, hình ảnh những người "bố nuôi" vai đeo quân hàm đã trở nên quen thuộc với người dân, trẻ em nơi đây. Không chỉ cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, mà những chiến sỹ quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Na Ngoi cũng là những người "bố nuôi" thân thiết của bao số phận trẻ em thiếu may mắn.
Vòng tay đùm bọc, yêu thương của các chiến sỹ đã mang đến cho các em sự ấm áp, niềm tin để vươn lên thoát khỏi những bất hạnh, khổ sở. “Đã 5 năm nay Đồn Biên phòng Na Ngoi có thêm 2 đứa con nuôi cùng ăn ở, cùng sinh hoạt trong đơn vị.
Sáng sáng các bố chở con đến trường, chiều lại đón về. Tối đến lại cùng các con ngồi vào bàn học bài”, Trung tá Vi Văn Lâm - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết.
Dẫn chúng tôi đến căn phòng nhỏ xinh, ánh điện sáng ấm áp, hai cậu bé Vi Dương Cầm, học lớp 5 và Mùa Bá Sâu, hiện đang học lớp 6 đang chăm chú vào sách vở. Bên cạnh là hai "bố nuôi" còn trẻ tuổi, là chiến sỹ Đội vận động quần chúng của đồn.
Hằng ngày, các anh đi khắp các bản làng, có mặt ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất để làm nhiệm vụ giữ yên biên giới. Đêm đêm, các chiến sỹ quân hàm xanh lại trở thành những người bố nuôi, bày dạy các em từng nét bút, từng bài học. Cậu bé Vi Dương Cầm nhà ở bản Tặng Phăn, là con út trong gia đình 4 anh em, thuộc hộ nghèo đặc biệt khó khăn, bố mẹ bị bệnh không có khả năng lao động.
5 năm nay, nhờ có các "bố nuôi" đón về ở cùng, Vi Dương Cầm mới có cơ hội đến trường. Còn em Mùa Bá Sâu ở bản Phù Khả 2, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, Sâu và đứa em trai ở với ông bà nội đã già yếu. Nếu không có sự chăm nom của các "bố nuôi" Đồn Biên phòng Na Ngoi, giờ này Mùa Bá Sâu cũng đã bỏ học. Ngoài 2 con nuôi, đơn vị còn hỗ trợ 3 cháu học sinh mồ côi khác mỗi tháng 500 ngàn đồng, trong đó có 1 học sinh Lào tại bản Nậm Ngạt, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng.
Nhiều năm nay, ngoài Đồn Biên phòng Na Ngoi, trên địa bàn các huyện biên giới Nghệ An, các đồn biên phòng đã nhận giúp đỡ 97 học sinh khó khăn, trong đó 16 học sinh Lào; nhận nuôi 17 học sinh mồ côi cùng ăn ở, sinh hoạt tại các đồn.
Chúng tôi đã đi và thấy khắp các vùng biên viễn, rằng không chỉ ở Na Ngoi, mới có những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo khổ mà trên địa bàn Kỳ Sơn nói riêng, ở các huyện miền núi nói chung của Nghệ An, đi tới đâu cũng có thể bắt gặp những hoàn cảnh tương tự. Còn quá nhiều những mảnh đời trẻ thơ cơ cực cần nhiều hơn nữa những yêu thương như việc làm thầm lặng của những ông bố quân nhân nơi biên viễn.