Josep Borrell- người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết số tiền mà Liên minh châu Âu đã cung cấp cho Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra nhiều hơn 35 lần so với số tiền mà Liên minh châu Âu cung cấp cho Ukraine để phòng thủ.
Ngày 6/4, ông Josep Borrell đã nói với Nghị viện châu Âu rằng, EU đã trả cho Nga 35 tỷ euro (38 tỷ USD) tiền nhiên liệu và gửi cho Ukraine 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) để tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Nga, BBC đưa tin.
"Chúng tôi phải giúp (người Ukraine) tự vệ ... Chúng tôi đã cho Ukraine 1 tỷ euro. Nghe có vẻ nhiều nhưng 1 tỷ euro là số tiền chúng tôi trả cho Putin mỗi ngày cho năng lượng mà ông ấy cung cấp cho chúng tôi", ông Josep Borrell nói.
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Nhưng châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga để làm năng lượng, có nghĩa là các hành động chống lại Nga bị hạn chế trừ khi các quốc gia đặt nguồn cung cấp năng lượng và nền kinh tế của mình vào tình thế rủi ro.
Trước đó một ngày, Ủy ban châu Âu thông báo rằng EU sẽ giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào năm tới.
EU cũng đang đề xuất lệnh cấm đối với than của Nga như một phần của vòng trừng phạt thứ năm đối với Nga, cũng như xem xét các hạn chế đối với nhập khẩu dầu.
Tuy nhiên, như Huileng Tan của Insider đã báo cáo, EU đã không đề cập đến khí đốt tự nhiên như một phần của vấn đề này. Các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói rằng các biện pháp trừng phạt "địa ngục" của Washington không có tác dụng, tình huống do Mỹ tạo ra đang đánh ngược trở lại họ.
Viết trên kênh Telegram cá nhân, ông Volodin cho rằng: "Quyết định thanh toán khí đốt với các quốc gia không thân thiện bằng đồng rúp của Tổng thống Vladimir Putin, cũng như cuộc bàn luận về việc mở rộng danh mục hàng hóa trao đổi thương mại bằng đồng rúp, đã khiến Bộ Tài chính Mỹ bấn loạn. Kế hoạch của Washington đã thất bại. Các biện pháp trừng phạt "địa ngục" tỏ ra không có tác dụng. Họ định làm sụp đổ nền kinh tế, làm tê liệt hệ thống ngân hàng của Nga. Nhưng việc không thành".
Ông Volodin cũng nói thêm rằng, Nga có đủ tiền trong tài khoản để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình ngay cả khi bị trừng phạt. Theo ông Volodin, tình huống do Mỹ tạo ra đang phản tác dụng với Mỹ và người dân nước họ.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga đang làm suy giảm niềm tin vào đồng USD.