Theo đó, HĐND TP.HCM khóa X đã thống nhất triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 theo nội dung dự án tại tờ trình số 864/TTr-UBND của UBND TP.
Đồng thời, HĐND TP.HCM khóa X thống nhất đảm bảo cân đối đủ vốn ngân sách TP để thực hiện dự án. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ bố trí từ nguồn ngân sách TP.
HĐND TP.HCM cũng giao UBND TP khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, UBND TP chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng toàn dự án vào quý 2/2024.
HĐND cũng lưu ý cần quan tâm đảm bảo cuộc sống người dân sau tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa X đã phê duyệt chủ trương đầu tư tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên).
Về quy mô, đầu tư các hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các tuyến xe buýt, các trạm dừng đỗ xe buýt xung quanh các nhà ga trung chuyển hành khách gồm ga Văn Thánh, ga Tân Cảng, ga Thảo Điền, ga An Phú, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga Khu công nghệ cao, ga Đại học Quốc gia, ga bến xe Suối Tiên.
Đồng thời, cải tạo vỉa hè đường song hành và xa lộ Hà Nội, tăng cường khả năng tiếp cận cho hành khách đi bộ tiếp cận các nhà ga. Tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến metro số 1 trên cơ sở tái cấu trúc tuyến xe buýt hiện hữu và mở các tuyến xe buýt mới dọc hành lang xa lộ Hà Nội. Đây là dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự án gần 94 tỷ, thực hiện từ năm 2022 đến 2024.
HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP với chi phí 61 tỷ đồng.
HĐND TP.HCM khóa X cũng đã thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2025.
Cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, nhận mức hỗ trợ 60 triệu đồng trong 18 tháng.
Điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế nhận hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng. Ước tính kinh phí hỗ trợ cho 300 bác sĩ và 100 điều dưỡng, hộ sinh hằng năm khoảng 16 tỷ đồng.
Chính sách thu hút nhân viên y tế về hưu, người có chuyên môn bác sĩ sẽ làm hợp đồng với mức lương 9 triệu đồng/tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Dự kiến, nhu cầu huy động người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế của các trạm y tế là 890 người, với tổng kinh phí hằng năm gần 81,5 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế là 5,5 triệu đồng/tháng. Nhu cầu mỗi trạm y tế cần 2 người (1 nhân viên vệ sinh và 1 bảo vệ), tổng kinh phí hỗ trợ hằng năm gần 41 tỷ đồng.
TP.HCM có 310 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Như vậy, kinh phí hỗ trợ hằng năm cho 3 đối tượng trên khoảng 138,5 tỷ đồng. Chính sách đặc thù này được đề xuất thí điểm đến hết năm 2025, và sẽ được điều chỉnh khi Trung ương có chính sách mới cho lực lượng y tế cơ sở.