Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh cả nước sẽ kết thúc chương trình năm học 2021-2022. Nhiều trường học ngay sau khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp đã lên kế hoạch dạy học thích ứng trong môi trường mới.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ: "Cả một quãng thời gian dài năm học vừa qua học sinh phải học trực tuyến. Tuy giáo viên dạy đầy đủ phần kiến thức chuẩn của Bộ GDĐT nhưng phần ôn luyện thì học sinh có phần thiệt thòi hơn do không có nhiều thời gian. Vì vậy khi học sinh đi học trực tiếp, nhà trường tận dụng thời gian để củng cố kiến thức cho các con.
Cô Mai chia sẻ thêm, ngoài kiến thức cơ bản, trong quá trình dạy học, học sinh nào có tố chất sẽ lồng ghép kiến thức năng lực để bồi dưỡng thêm. Trường Tiểu học Thanh Liệt có gần 1.569 học sinh và các em bắt đầu đi học lại từ ngày 6/4 theo đồng ý của UBND thành phố.
Sau ngày đầu tiên học sinh được trở lại trường, cô Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Long Biên cho biết, tỉ lệ học sinh đến trường đạt 92,2%. Để việc dạy học, tiếp cận kiến thức giữa các học sinh được đồng đều và không có khoảng cách, nhà trường đã xây dựng phương án, giải pháp dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Với khối 1, 2 trong tuần đầu đi học, nhà trường chủ yếu giúp các em làm quen với môi trường, bạn bè, công tác tổ chức lớp. Khối 3, 4, 5 sẽ được ôn tập kiến thức còn hổng.
Cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm cho biết, trong tuần đầu học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ tổ chức học 1 buổi, giúp các em làm quen với thầy cô, bạn bè, trường lớp. Sang tuần học thứ 2, nhà trường tổ chức học 2 buổi 1 ngày, kết hợp cả ôn tập và dạy kiến thức theo tiến độ chương trình để bổ sung những phần các con bị thiếu hụt trong thời gian học online.
Nếu nhiều trường lựa chọn hình thức dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến thì tại trường Tiểu học Hồng Hà, những học sinh F0, F1 sẽ được tham gia lớp học online vào buổi chiều.
"Việc học chung trực tiếp và trực tuyến sẽ khó đảm bảo cho cả 2 nhóm đối tượng. Vì vậy, nhà trường tách riêng các em học sinh F0, F1 và online vào buổi chiều. Điều này sẽ khiến các thầy cô vất vả hơn. Nhưng bù lại, các em học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận kiến thức"- cô Hương chia sẻ.
Cô Phí Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Học sinh lớp 6 năm nay học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong tình hình dịch bệnh, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thời điểm này các cô tiếp tục dạy chương trình đồng thời kết hợp bổ trợ để củng cố kiến thức trọng tâm cho học sinh cũng như chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối kỳ. Mọi kế hoạch nhà trường hoàn toàn chủ động để phụ huynh, học sinh yên tâm rằng các em học online cũng không bị ảnh hưởng và đạt hiệu quả cao.
Với học sinh lớp 9, cô Hương chia sẻ, học sinh đã được học trực tiếp 3 tuần và theo chương trình giảm tải của Bộ, nhà trường đã điều chỉnh nội dung phù hợp. Học sinh đến trường vừa học kiến thức mới vừa củng cố hệ thống hóa kiến thức cũ. Trong 3 tuần này, các em đã ổn định nhanh chóng. Có những tiết trống, giáo viên sẵn sàng vào dạy bổ trợ thêm để các em nắm chắc kiến thức trong thời gian học online bị hổng.
"Lúc nào nhà trường cũng thường trực nỗi lo lắng nhưng vẫn phải động viên cho học sinh, để các em thoải mái, tự tin, không căng thẳng gây ảnh hưởng đến kết quả học tập", cô Hương bày tỏ.
Chia sẻ về kế hoạch ôn tập của học sinh, cô Phạm Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Nhà trường vẫn triển khai dạy theo đúng khung chương trình của Bộ GDĐT và vừa kết hợp ôn tập cho học sinh".
Cô Mai cho hay, nhà trường đang chuẩn bị tổ chức họp phụ huynh để bàn về phương hướng tăng cường dạy học cho học sinh trong gia đoạn cuối kỳ này.