GS Nguyễn Lân Dũng: "Muốn con tử tế, cha mẹ phải tử tế"
GS Nguyễn Lân Dũng: Vai trò của gia đình với tuổi học đường rất quan trọng
Tào Nga
Thứ năm, ngày 07/04/2022 17:05 PM (GMT+7)
Theo GS Lân Dũng, trẻ con sinh ra đều tốt như nhau nên vai trò của gia đình rất quan trọng, làm sao để các em được sống trong tươi vui, tránh bị trầm cảm.
Là khách mời trong buổi tọa đàm "Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?" do báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng ngày 7/4, khi được hỏi về trầm cảm ở tuổi vị thành niên hiện nay, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: "Tôi thấy rằng rõ ràng chuyện trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến. Thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Vụ việc học sinh tự sát xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước làm tràn ly làm xã hội băn khoăn, lo lắng.
Dân gian có câu "Nhân tri sơ tính bản thiện", vai trò của gia đình với tuổi học đường rất quan trọng. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi. Tôi nghĩ triệu chứng trầm cảm dễ nhận thấy. Nếu bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra con mình có bị trầm cảm hay không để tìm cách uốn nắn".
GS Lân Dũng chia sẻ thêm: "Muốn con tử thế thì bố mẹ cũng phải tử tế. Giáo dục của gia đình rất quan trọng, không chỉ quan tâm ăn mặc mà còn trí tuệ, đạo đức của con. Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà còn tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế.
Tôi may mắn từ nhỏ được học toàn thầy cô giỏi nên chúng tôi được thừa hưởng một nền giáo dục tử tế. Nên có hai mặt: bố mẹ và thầy cô phải làm sao yêu thương con, yêu thương học sinh để mỗi ngày con đến trường là một ngày vui. Tôi nghĩ rằng, giáo dục cần xem xét lại, phải vừa dạy chữ vừa dạy người. Trước đây, tôi đi học thi cử bao nhiêu lần mà không thấy áp lực, ngược lại vẫn vui và mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành lên. Vì vậy, quan trọng là thái độ bố mẹ, thầy cô, dành tình cảm yêu thương con cái, học sinh thế nào".
"Các con hiện nay rất áp lực"
Cũng trong buổi tọa đàm, các khách mời đã chia sẻ về bệnh trầm cảm với giới trẻ hiện nay. Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết: "Các con hiện nay rất áp lực. Trong khi cha mẹ chỉ nhìn nhận đó là "việc trẻ con", "bố mẹ bằng tuổi mày cũng chịu áp lực như thế có sao đâu".
Chúng ta luôn nói trẻ con cần trưởng thành trong vui vẻ, hạnh phúc nhưng các em có quá nhiều áp lực từ cha mẹ, thầy cô bạn bè và chính bản thân mình. Điều đó khiến nhiều đứa trẻ trưởng thành trong đau đớn....".
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cũng cho rằng thời gian dài học online vì Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. "Các nhà trường và cấp quản lý cũng nên có lộ trình thích ứng cho học sinh. Có thể hai tuần đầu các em sẽ khởi động và 2 tuần sau bắt đầu học chứ không nhất thiết khi đến trường thầy cô bắt học gấp đôi để bù kiến thức. Điều đó khác gì bắt người mới ốm dậy làm việc nặng".
Trầm cảm là căn bệnh rất đáng lo ngại hiện nay, đặc biệt là giới trẻ khi các em phải hứng chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: "Tôi làm việc ở bệnh viện lâu năm và cơ cơ hội tiếp xúc với nhiều lứa tuổi. Với các em học sinh phổ thông, được đưa đến khám chuyên khoa với các triệu chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn nghiện chất, internet, game… chỉ một số ít là những bạn có triệu chứng thể nhẹ, còn lại đa số bệnh khá nặng.
Một số khác bị chuyển đến trong trạng thái kích động, la hét, đập phá đồ đạc, làm tổn thương, đánh đập người nhà, thậm chí hủy hoại bản thân. Đây là những ca bệnh chúng tôi tiếp xúc hàng ngày...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.