Ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 về tình hình Ukraine để xem xét dự thảo Nghị quyết về việc đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Nga.
Trong thảo luận, các nước bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay tại Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nhiều nước, trong đó có những nước bỏ phiếu trắng và chống đối với Nghị quyết, cho rằng trong bối cảnh các cơ chế điều tra quốc tế về tình hình nhân quyền tại Ukraine, gồm cơ chế điều tra được thành lập theo quyết định của Hội đồng Nhân quyền, vẫn đang diễn ra, việc đề xuất và xem xét Nghị quyết này là hành động vội vã trong khi chưa có thông tin cụ thể, khách quan.
Việc thông qua Nghị quyết được các nước này xem là có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đàm phán, đối thoại giữa các bên liên quan, gây chia rẽ và làm giảm sự tín nhiệm đối với LHQ.
Sau khi Đại hội đồng xem xét, thông qua Nghị quyết, đại diện Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Toàn văn phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang: Yêu cầu kiểm chứng khách quan, minh bạch các thông tin tấn công dân thường tại Ukraine
Việt Nam luôn có lập trường nguyên tắc và nhất quán là ủng hộ giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề đối với người dân. Chúng tôi hết sức quan ngại trước thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.
Việt Nam phản đối và lên án mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
Những thông tin như vậy cần được xem xét trên cơ sở kiểm chứng khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan.
Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết ngay lập tức chấm dứt sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và mất mát cho người dân, cũng như thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự.
Nếu không được sớm giải quyết một cách hòa bình, xung đột tại Ukraine sẽ tiếp tục tác động tới cả thế giới, với ảnh hưởng đến nay có thể thấy rõ tại các khu vực.
Chúng tôi do đó tin tưởng rằng cách duy nhất hiện nay là giảm căng thẳng, nối lại đối thoại và thúc đẩy mọi kênh đàm phán để sớm tìm ra giải pháp dài hạn đáp ứng lợi ích và quan tâm chính đáng của tất cả các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế. Không có lựa chọn nào khác.
Nỗ lực của cộng đồng quốc tế cần được triển khai một cách thận trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hướng tới đạt được giải pháp cuối cùng.
Các trao đổi, quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động của mình. Theo đó, chúng tôi cho rằng các trao đổi và quyết định của ĐHĐ cần dựa trên thông tin khách quan, có sự tham vấn rộng rãi với các nước.
Đàm phán và đối thoại là cách khả thi nhất để tìm ra giải pháp hòa bình, toàn diện. Chúng tôi mong rằng LHQ và các nước thành viên sẽ cùng hợp tác vì mục tiêu này.