Ngày 8/4, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức sự kiện ra mắt Hội đồng Văn học dịch tại văn phòng 81 Trần Quốc Thảo, quận 3 với sự có mặt của nhiều tên tuổi trong ngành xuất bản.
Đặc biệt, sự kiện giới thiệu và bổ nhiệm các nhà văn, dịch giả tham gia vào Hội đồng Văn học dịch gồm: Dịch giả Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Hiền), Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Đại học Văn Lang (Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP.HCM), dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Chi - Chibooks (Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội nhà văn TP.HCM), dịch giả Dương Kim Thoa, biên tập viên Ban Quốc tế, Báo Tuổi Trẻ.
Tại sự kiện trên, dịch giả Hiền Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội nhà văn TP.HCM chia sẻ: "Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, vì chỉ có sự tương tác hai chiều mới tạo được mối liên kết.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển đội ngũ hỗ trợ các dịch giả bằng nhiều hình thức, ví dụ như hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần hoặc bằng các giải thưởng liên quan. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa văn học Việt Nam và thế giới".
Nhà văn – dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội nhà văn TP.HCM nhìn nhận: "Hội đồng Văn học dịch ra đời là một tín hiệu vui trong việc thừa nhận và khẳng định vai trò, vị trí của người dịch. Dù có lẽ hơi muộn so với các nước khác, nhưng tôi tin rằng với sự phát triển về đời sống văn chương Việt Nam hiện nay, nhu cầu giao lưu và đưa văn học Việt ra nước ngoài là thiết yếu, chắc chắn và cần có.
Bởi việc này trước đây còn nhiều hạn chế, chỉ xảy ra tự phát chứ chưa có lộ trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ. Bản thân tôi xuất phát từ người dịch sách luôn mong mỏi sách Việt xuất hiện nhiều trên các hội chợ sách trong khu vực Đông Nam Á và hội sách quốc tế trên thế giới".
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VHNT TP.HCM mong rằng qua lễ ra mắt Hội đồng Văn học dịch 2022, 3 dịch giả có thể giúp tăng thêm nhiều nhân lực trợ lực. Ngoài ra, ông mong các dịch giả tham gia vào Hội đồng không chỉ quảng bá cho các nhà văn mà còn quảng bá cho văn hóa Việt.
NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho rằng, để dự án được lâu dài và bền vững, Hội đồng dịch cần có sự ủng hộ, trợ lực và các cơ chế chính sách.
"Trong Hội đồng dịch ngày hôm nay, tôi thấy rất vui vì có sự tham gia của NXB Trẻ, của chị Lệ Chi - đại diện cho Chibooks, đại diện của báo Tuổi Trẻ... là những người rất trẻ nhưng có uy tín và có bề dày trong công tác dịch thuật. Và tôi cũng mong muốn sẽ có thêm những thành viên uy tín tham gia vào Hội đồng dịch trong tương lai", bà Thúy khẳng định.
Văn học dịch không chỉ có vị trí quan trọng trong môi trường văn chương mà còn rất quan trọng trong đời sống tinh thần của TP.HCM và cả nước.
Trong thị trường xuất bản sách, văn học dịch chiếm một thị phần không hề nhỏ và ngày càng được nâng cao vị thế dần lên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chuyển ngữ từ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác (như Anh, Pháp, Trung Quốc, …) hết sức khó khăn, số lượng các tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra nước ngoài vẫn còn rất ít và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học và các nhà xuất bản nước ngoài thực hiện.
Việc giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc đang gặp nhiều hạn chế. Chính vì thế, việc thành lập Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn TP.HCM là quan trọng và cần thiết trong xu thế xuất bản – giao lưu văn hóa hội nhập cùng thế giới như hiện nay.