Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay, báo hiệu sự cấp bách thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu cắt bỏ nguồn năng lượng từ Nga.
Ông Scholz trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc liệu ông có cảm thấy xấu hổ khi các nước EU trả cho Nga hàng tỷ euro để mua nhiên liệu hóa thạch hay không: "Chúng tôi đang tích cực làm việc để độc lập khỏi việc nhập khẩu dầu (của Nga) và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được điều đó trong năm nay".
Liên minh châu Âu trong tuần này đã thông qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than bắt đầu từ tháng 8. Đức đã tăng cường nỗ lực để giảm mức độ tiếp xúc với năng lượng nhập khẩu của Nga sau cuộc chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2.
Dầu của Nga hiện chiếm 25% nhập khẩu của Đức, giảm từ 35% trước cuộc chiến tranh, và nhập khẩu khí đốt đã cắt giảm từ 55% xuống 40%. Nhập khẩu than cứng của Nga đã giảm xuống 25% từ 50% trước chiến tranh.
Việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga là khó khăn hơn đối với Đức, quốc gia này trong quý đầu tiên đã nhận được 40% lượng khí đốt được giao từ Nga. Đức muốn cắt giảm thị phần khí đốt của Nga xuống còn 24% vào mùa hè này. Nhưng có thể mất đến mùa hè năm 2024 để nền kinh tế lớn nhất châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
"Chúng tôi đang tích cực làm việc để không phụ thuộc vào sự cần thiết của việc nhập khẩu khí đốt từ Nga", ông Scholz nói.
Viện kinh tế DIW cho biết trong nghiên cứu được công bố ngày 7/4 rằng, Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga thông qua sự kết hợp của các nhà cung cấp thay thế và các biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.
Nghiên cứu cho biết Na Uy và Hà Lan có thể lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga để lại và nhiều nguồn cung cấp hơn có thể được đảm bảo thông qua việc vận chuyển khí hóa lỏng (LNG) tới các bến cảng ở Bỉ, Hà Lan và Pháp.
Tuy nhiên, Alexei Gromov, chuyên gia thị trường, giám đốc năng lượng của Viện Năng lượng và Tài chính Nga đánh giá rằng, dầu của Nga có những đặc tính độc đáo mà khó có thể thay thế ở thị trường châu Âu. Nói với Sputnik, ông Alexei Gromov cho rằng, mặc dù các biện pháp trừng phạt Nga gây phức tạp đáng kể việc cung cấp dầu Urals cho người tiêu dùng nước ngoài, tuy nhiên, các đặc tính độc đáo của loại nhiên liệu này khiến nó gần như không thể thiếu ở thị trường châu Âu. Theo ông Gromov, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu ban đầu chỉ tập trung vào chế biến dầu của Nga.
"Việc thay thế dầu của Nga tại thị trường châu Âu là vô cùng khó khăn. Vấn đề không chỉ là không thể tìm được lượng dầu thích hợp để thay thế dầu của Nga. Dầu Urals của chúng tôi là sản phẩm lý tưởng cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu về mặt vật lý và hóa học. Các doanh nghiệp này ban đầu tập trung đặc biệt vào dầu Urals của Nga", ông Gromov giải thích.
Không chỉ châu Âu sẵn sàng mua các nguồn năng lượng của Nga và nguồn cung cấp dầu ở Urals có thể được chuyển thành công từ Tây sang Đông, chuyên gia tiếp tục. Ông nói thêm, đây là một đặc điểm đáng giá khác của thương hiệu Nga với tư cách là một sản phẩm xuất khẩu.
"Trong vài tuần qua, kể từ khi bắt đầu vòng trừng phạt mới chống lại Nga, các công ty Nga kịp cơ cấu lại một phần chuỗi cung ứng của mình để chuyển hướng dầu của Nga đến những người mua ở các khu vực khác trên thế giới. Điều này được thực hiện nhằm cung cấp dầu cho những quốc gia sẵn sàng mua dầu của Nga. Lúc đầu, điều đó nhiều rủi ro, nhưng bây giờ chuỗi cung ứng đang bắt đầu suôn sẻ", ông Gromov nhận định.