Người Hà Nội "đội nắng" đi tảo mộ Tết Thanh minh
Dịp cuối tuần cũng trùng với dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ năm nay, nhiều người dân ở Hà Nội tranh thủ cùng gia đình tổ chức đi dâng hương tưởng nhớ tổ tiên ngày Tết Thanh minh.
Ngày 9/4 (tức mùng 9/3 âm lịch), rất đông người Hà Nội mang theo hoa, đồ lễ vượt quãng đường hàng chục km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tảo mộ, dâng hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên dịp Tết Thanh minh.
Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Ngày lễ Tết Thanh minh không có ngày cố định thời gian bắt đầu từ ngày 4-5/4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu Tiết Cốc Vũ).
Vào ngày lễ này con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng cho tổ tiên mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an.
Mọi người cùng quây quần bên phần mộ gia tiên lau dọn sạch sẽ.
Cùng con cháu đội nắng vượt quãng đường xa, bà Trần Thị Thái (SN 1955, ở phố Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ bao đời nay cứ Tết Thanh minh con cháu tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất. Bà Thái đưa con cháu đến thăm viếng mộ gia tiên. “Tôi muốn giáo dục con cháu muốn trưởng thành phải nhờ cha mẹ đầu tiên, phải nhớ đến tổ tiên mới trở thành người tốt được. Đây là ngày lễ để con cháu tưởng nhớ những ngừoi đã khuất”, bà Thái chia sẻ.
Trời oi nắng nhưng ai ai cũng rưng rưng xúc động khi được về bên mộ tổ tiên, tưởng nhớ nguồn cội.
Do tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên nhiều người dân đưa theo con cháu, trẻ nhỏ đến nghĩa trang làm lễ.
Mọi người cùng nhau dọn dẹp, trồng cây quanh phần mộ gia tiên.
Trao đổi với PV Dân Việt, Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, ngày Tết Thanh minh được xem là ngày giỗ chung cho tổ tiên của các gia đình. Tết Thanh minh không phải Tết chính nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về cuội nguồn, gợi nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất.
“Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày bắt đầu từ khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch. Đây là dịp không chỉ những ngươi già mà nhiều gia đình đều mong muốn con cháu quây quần bên nhau”, đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Mọi người quây quần đốt vàng mã cho tổ tiên.