Dân Việt

Không phải Lục mạch thần kiếm, đâu là võ công vô địch "Thiên long bát bộ"?

Nguyệt Phạm 11/04/2022 10:31 GMT+7
Chính cố nhà văn Kim Dung đã xác nhận rằng đây mới là môn võ công mạnh nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp "Thiên long bát bộ".

Đi tìm võ công mạnh nhất thiên hạ

Trong "Thiên Long bát bộ" có rất nhiều môn võ công và chiêu thức võ thuật lạ, chẳng hạn như Lăng ba vi bộ của Tiêu Dao phái, Hóa công đại pháp của Tinh túc phái hay tuyệt kỹ tổ truyền của Mộ Dung Cô Tô là Đẩu chuyển tinh di… Nhưng, trong số các môn võ huyền thoại được Kim Dung mô tả trong tiểu thuyết này đâu là tuyệt kỹ mạnh nhất?

Một số người cho rằng võ công mạnh nhất trong "Thiên long bát bộ" là Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự. Chính Mộ Dung Bác, người đã bí mật học các bí kíp võ công trong chùa từng nói rằng Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự chính là thần công mạnh nhất trong thiên hạ. Khi luyện thành thì nội lực vô biên, còn có thể khắc chế nhiều môn tà công bàng môn tà đạo.

Võ công vô địch "Thiên long bát bộ": Không phải Lục mạch thần kiếm hay Dịch cân kinh - Ảnh 1.

Vô danh thần tăng, người được cho là đã luyện thành Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự. (Ảnh: Baidu)

Nói tới đây, hẳn nhiều người không khỏi liên tưởng tới Vô danh thần tăng, vị cao thủ ẩn mình hơn 40 năm ở Thiếu Lâm Tự dưới danh nghĩa 1 lão tăng quét dọn Tàng Kinh Các. Nhờ Dịch cân kinh, ông có thể chịu 1 chưởng của Kiều Phong mà không hề hấn gì. Khi Kiều Phong đấu với Mộ Dung Phục ở Thiếu Lâm Tự, vào thời điểm quan trọng, Vô danh thần tăng đã bước tới, ông tạo nên 1 bức tường khí vô hình cao tới 3 thước, mạnh mẽ chặn lại chiêu Hàng long thập bát chưởng và Đẩu chuyển tinh di. Sau đó để chữa nội thương của Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, ông đã đánh 1 chưởng khiến họ chết đi sống lại và giúp họ hòa giải mối thù.

Tuy nhiên Dịch cân kinh là môn võ rất khó luyện thành. Vì thế, Cưu Ma Trí vì cưỡng cầu luyện tập nên bị tẩu hỏa nhập ma. Lợi hay hại mà Dịch cân kinh mang lại, người hiểu rõ nhất có lẽ là Du Thản Chi, tình cờ nhặt được bí kíp này của Kiều Phong đánh rơi. Sau khi học được 1 phần của Dịch cân kinh cộng với hút hết chất độc của Băng tằm ngàn năm, anh ta từ một kẻ hạng bét trở thành cao thủ võ lâm.

Có người lại phản bác rằng Lục mạch thần kiếm của các thành viên hoàng tộc Đại Lý mới là mạnh nhất. Bởi Lục mạch thần kiếm sử dụng kiếm khí vô hình phát ra từ đầu ngón tay để tấn công đối thủ nên đây mới là môn võ công có uy lực lớn nhất.

Võ công vô địch "Thiên long bát bộ": Không phải Lục mạch thần kiếm hay Dịch cân kinh - Ảnh 2.

Có người lại cho rằng Lục mạch thần kiếm là môn võ uy lực lớn nhất. (Ảnh: Baidu)

Đoàn Dự vô tình học được môn võ công này nhưng do chưa thuần thục nên vị vương tử này lúc sử dụng được lúc không. Thế nhưng, sức mạnh của Lục mạch thần kiếm quả thực không hề tầm thường, ngay cả Kiều Phong khi nhìn thấy Đoàn Dự đánh bại Mộ Dung Phục bằng môn võ này đã không nhịn được mà khen ngợi anh chàng: "Tam đệ mới bắt đầu học mà kiếm pháp quá kinh người, nếu thành thạo, ta và Mộ Dung Phục dù kết hợp e rằng cũng khó địch lại".

Ẩn ý của nhà văn Kim Dung

Thế nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều độc giả, nhà văn Kim Dung cho biết, võ công mạnh nhất thiên hạ trong Thiên long bát bộ không phải là Dịch cân kinh hay Lục mạch thần kiếm. Thực chất, môn võ công có sức mạnh vô song nằm trong tên của 3 nhân vật chính là Kiều Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự. Đây cũng là một chi tiết ẩn mà cố nhà văn đã cố tình giấu đi trong tác phẩm.

Sau này, chính ông đã "bật mí" rằng, độc giả chỉ cần tìm từ đồng âm với các từ "Hư" trong Hư Trúc, "Dự" trong Đoàn Dự và "Phong" trong Kiều Phong và kết hợp chúng với nhau sẽ tạo thành cụm "hư ngự phong" hoặc có thể thêm chữ "phùng" thành "Phùng hư ngự phong". Phùng hư ngự phong có nghĩa là nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không mà không biết là đến đâu. Đây là 1 câu nói trong áng văn "Tiêu dao du" của Trang Tử.

Võ công vô địch "Thiên long bát bộ": Không phải Lục mạch thần kiếm hay Dịch cân kinh - Ảnh 3.

Cố nhà văn Kim Dung có ẩn ý về võ công mạnh nhất trong "Thiên long bát bộ".

Tới đây, hẳn nhiều độc giả đã đoán được đáp án chính là các môn võ công của phái Tiêu dao. Sự hiện diện của môn phái Tiêu Dao đều được tác giả gắn xuyên suốt trong tác phẩm. Mở đầu bằng chi tiết bức tượng thần tiên tỷ tỷ trong Vô Lượng Ngọc Bích có xuất xứ từ Tiêu Dao phái.

Hay các nhân vật như Đinh Xuân Thu của Tinh túc phái, Trân lung kỳ trận do Vô Nhai Tử sáng tác, các môn võ như Bắc Minh thần công, Bát hoang lục hợp duy ngã độc tôn công, Tiểu vô tướng công hoặc thậm chí là những kỳ ngộ mà Hư Trúc lĩnh hội được đều ít nhiều có liên hệ với Tiêu Dao phái.

Trong phiên bản cũ của Thiên long bát bộ, cố nhà văn Kim Dung từng xác nhận, các môn võ công của Tiêu Dao phái đều là ý tưởng xuất phát từ khái niệm "Tiêu dao du" của Trang Tử. Qua những chi tiết này có thể thấy, Kim Dung đã định sẵn Tiêu Dao phái là môn phái có ảnh hưởng nhất và có võ công mạnh nhất trong Thiên long bát bộ.