“Đại ca đứng đầu” Thiên long bát bộ là ai và sở hữu võ công gì?

Chủ nhật, ngày 30/05/2021 12:34 PM (GMT+7)
“Đại ca đứng đầu” Thiên Long Bát Bộ - người trực tiếp gây ra thảm án tại Nhạn Môn Quan là người có thân phận tôn quý, được người người kính ngưỡng.
Bình luận 0

Mở đấu bộ phim Thiên long bát bộ 2003 (dự theo tác phẩm cùng tên của cố nhà văn Kim Dung), là một cảnh tượng đẫm máu khi Tiêu Viễn Sơn người Khiết Đan cùng vợ và con nhỏ vào Trung Nguyên để thăm ân sư, nhưng lại bị các cao thủ đứng đầu Trung Nguyên vây đánh ở Nhạn Môn Quan.

Kiếm hiệp Kim Dung: Chân dung “Đại ca đứng đầu” Thiên long bát bộ - Ảnh 1.

Cảnh Tiêu Viễn Sơn cùng vợ và con nhỏ vào Trung Nguyên trong phim Thiên long bát bộ 2013.

Võ công của Tiêu Viễn Sơn thuộc hàng thượng thừa, các cao thủ Trung Nguyên bị đánh chết gần hết. Ngay cả "Đại ca đứng đầu" của nhóm cao thủ cũng bị đánh trọng thương. Trong lúc giao chiến, người vợ không biết võ công đã bị đánh chết. Quá bi thương, Tiêu Viễn Sơn ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn.

Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ nay đã tròn một tuổi hóa ra vẫn sống, chưa bị các cao thủ giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại. Đứa con này được trưởng bối "Đại ca đứng đầu" tha cho không giết, đem giao cho một cặp vợ chồng tiều phu Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng. Do đó nên Tiêu Phong còn được gọi là Kiều Phong. Sau này Kiều Phong được Cái Bang thu nhận. Với võ công cao cường và nhiều công trạng, dần dần uy tín của chàng lên cao. Khi bang chủ Cái Bang qua đời, chàng được phong làm bang chủ Cái Bang, sở hữu Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp. Lúc này trong giang hồ có câu nói Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung để nói rằng uy tín của Kiều Phong đã nổi khắp miền Trung Nguyên.

Kiếm hiệp Kim Dung: Chân dung “Đại ca đứng đầu” Thiên long bát bộ - Ảnh 2.

Tạo hình Tiêu Viễn Sơn trong phim Thiên long bát bộ 2003.

Trong một lần khi các trưởng lão muốn phế chức bang chủ của chàng, Kiều Phong đã biết được nguồn gốc thật của mình. Ba mươi năm về trước, cha của chàng Tiêu Viễn Sơn bị mai phục bởi các cao thủ võ lâm nước Tống tại Nhạn Môn Quan, vợ bị giết hại, ông phải nhảy xuống vực tự vẫn và bỏ lại đứa con nhỏ là Tiêu Phong. Từ đó Tiêu Phong quyết tâm tìm ra "Đại ca đứng đầu", đây cũng là nguyên do gây nên bao sóng gió trong võ lâm và đẩy cuộc đời của Tiêu Phong vào một đoạn trường đau khổ.

Giấy không gói được lửa, cây kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra, sau bao vất vả tìm kiếm cuối cùng Tiêu Phong cũng tìm ra được "Đại ca đứng đầu" chính là Huyền Từ đại sư một nhân vật mà không ai ngờ tới.

Huyền Từ là Bắc đẩu Thái Sơn, phương trượng Thiếu Lâm Tự, được người người kính ngưỡng. Với võ công cao thâm ông chính là người chỉ huy cuộc mai phục gia đình Tiêu Viễn Sơn tại Nhạn Môn quan nhiều năm trước do ông tin vào thông tin sai lệch của Mộ Dung Bác là hậu duệ của gia đình hoàng gia nước Yên (Nam Yên, Hậu Yên, Tiền Yên) thời Thập lục quốc. Vì luôn mang giấc mộng khôi phục nước Yên nên Mộ Dung Bác đã tung tin giả dẫn đến vụ thảm án tại Nhạn Môn Quan.

Ở cuối bộ tiểu thuyết, Huyền Từ đã công khai tất cả và còn thú nhận mối quan hệ của mình với Diệp Nhị Nương.

Mối tình với Diệp Nhị Nương

Kiếm hiệp Kim Dung: Chân dung “Đại ca đứng đầu” Thiên long bát bộ - Ảnh 3.

Diệp Nhị Nương và Huyền Từ trong phim Thiên long bát bộ 2003.

Diệp Nhị Nương vốn là một cô gái thiện lương, sở hữu vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang trinh tiết. Nhưng vì báo thù mà trở thành một người đàn bà tàn độc bậc nhất trong giang hồ.

Trước đó, cha nàng sinh trọng bệnh, cao tăng Huyền Từ đã tới tận tình cứu chữa và trao lại mạng sống cho cha Diệp Nhị Nương. Cũng chính từ sự kiện này, cả hai nảy nở nhân duyên. Tình cảm của  Diệp Nhị Nương dành cho Huyền Từ ngày càng lớn.

Diệp Nhị Nương ngày càng cảm kích và ngưỡng mộ đối với vị cao tăng. Nhưng vì gia cảnh bần hàn không biết lấy gì báo đáp, nàng đã dùng tấm thân nữ nhi quý giá trao cho Huyền Từ.

Và kết quả của mối nhân duyên này, nàng sinh hạ cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm mà Huyền Từ không hề hay biết. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, Tiêu Viễn Sơn đã bắt cóc giọt máu của nàng, mang giấu sau vườn chùa Thiếu Lâm. Đồng thời vạch ba nhát kiếm ở hai bên má của Diệp Nhị Nương, tạo thành 3 vết sẹo lớn gắn suốt đời với nàng.

Cậu bé sau khi bị bỏ ở Thiếu Lâm Tự đã được chính Huyền Từ nuôi nấng và trở thành Hư Trúc sau này. Số phận đã đặt con cạnh cha suốt bao nhiêu năm nhưng cả hai không biết. Và người cha lại là một nhân vật quan trọng, là Bắc đẩu Thái Sơn, phương trượng Thiếu Lâm tự Huyền Từ.

Kể từ sau khi mất con, Diệp Nhị Nương sinh đau khổ và phẫn uất. Chính vì vậy, bà nghĩ ra thú vui tàn ác khôn cùng: mỗi ngày bắt cóc một đứa trẻ sơ sinh và đối đãi chăm sóc như con mình, sau đó xuống tay sát hại một cách tàn độc. Vì thế, tên tuổi của bà được xếp hạng Đệ nhị ác trên giang hồ chỉ sau Đoàn Diên Khánh.

Sau này, Hư Trúc đã lập công lớn, dùng võ công bảo vệ cho Thiếu Lâm Tự trước Cưu Ma Trí. Nhưng vì phạm giới luật, Huyền Từ và các cao tăng Thiếu Lâm đã quyết định đánh phạt chàng. Khi lột áo tăng chịu phạt, chín vết châm hương trên người Hư Trúc lộ ra, Diệp Nhị Nương lúc này có mặt đã thốt lên khi nhận ra đó chính là con trai bà.

Tiêu Viễn Sơn lúc này vừa hay xuất hiện, công khai Hư Trúc là con Diệp Nhị Nương. Viễn Sơn cũng thừa nhận năm xưa khi thất trận ở Nhạn Môn quan, đã bắt cóc Hư Trúc để báo thù "Đại ca đứng đầu".

Giây phút đoàn tụ, người đàn bà tàn độc nhất nhì giới giang hồ ôm cậu con trai dứt ruột hạ sinh năm xưa mà rằng: "Con trai, giờ con đã 20 tuổi rồi. Hai mươi năm qua, ngày nào, đêm nào mẹ cũng mong nhớ con, mẹ căm phẫn vì người ta có con có cái, còn con mình thì để bọn giặc bắt mất. Mẹ... mẹ đành đi bắt con người ta. Nhưng... nhưng... con cái họ nào có bằng con mẹ đẻ ra".

Kiếm hiệp Kim Dung: Chân dung “Đại ca đứng đầu” Thiên long bát bộ - Ảnh 4.

Diệp Nhị Nương và Hư Trúc.

Trước sức ép của Tiêu Viễn Sơn muốn Diệp Nhị Nương phải tự mình nói ra cha của Hư Trúc là ai. Lúc này, phương trượng chùa Thiếu Lâm đã tự giác đứng ra nhận mình là tác giả của bào thai trong bụng Diệp Nhị Nương cách đây hơn 20 năm. Huyền Từ vỗ vào đầu Hư Trúc than một câu: "Ngươi đã ở trong chùa 20 năm, thế mà thủy chung ta vẫn không hay".

Huyền Từ phương trượng tư tình với Diệp Nhị Nương nên tự nhận phạt 200 trượng, sau đó tự chấn đứt kinh mạch mà chết (đây là một hành động anh hùng, vì nếu đã có ý tự vẫn thì không cần đợi phải chịu xong 200 trượng), còn Diệp Nhị Nương thấy Huyền Từ phương trượng chết cũng tự tử theo. Đáng thương thay, Hư Trúc trong một ngày gặp lại được cha mẹ, lại trong ngày đó mất cả cha lẫn mẹ. Hư Trúc sau đó bị trục xuất khỏi Thiếu Lâm (vì phạm quá nhiều giới).

Có thể nói Huyền Từ phương trượng tuy ông ta làm nhiều việc xấu nhưng nhân cách ông không hề xấu, khi biết mình phạm sai lầm khi gây ra thảm cảnh cho gia đình Tiêu Viễn Sơn thì lập tức ông đã chuộc lỗi bằng cách sắp xếp cho Tiêu Phong, con sơ sinh của Tiêu Viễn Sơn một cuộc sống mới, giao cho sư đệ Huyền Khổ của mình dạy võ công cho Tiêu Phong, nuôi dạy y nên người và cùng với bang chủ Cái Bang sắp xếp cho Tiêu Phong lên làm bang chủ Cái Bang và nhờ vậy mà Tiêu Phong uy chấn thiên hạ sau này. Những hành động này của ông cũng đã phần nào chuộc được lỗi lầm năm xưa của mình rồi.

Với Mộ Dung Bác khi hay tin ông ta lâm bệnh mà chết cũng không nỡ công bố lỗi lầm của ông ta, bảo toàn thanh danh người đã khuất, hành động này cũng là biểu hiện lòng nhân nghĩa hơn người của ông vậy.

Để Thiếu Lâm không vì cá nhân ông mà bị ô danh, Huyền Từ chịu phạt trước rồi tự vẫn sau chứ không tự vẫn trước để khỏi chịu nhục thêm, hành động lỗi lạc ấy một lần nữa lại chứng minh cho việc trọng danh của ông, sẵn sàng chịu chết để bảo vệ danh tiếng cho chùa.


PV (Theo Người đưa tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem