Dân Việt

"1 vụ xâm hại tình dục dễ bị đổi thành xô xát, không đồng thuận có thể thành... đồng thuận"

Nguyệt Tạ 10/04/2022 14:03 GMT+7
"Các nạn nhân nữ ít lên tiếng vì không dễ chứng minh làm rõ được sự việc trong khi các hành vi tình dục và các hình thức quấy rối, xâm hại khá đa dạng. Một vụ xâm hại tình dục dễ bị đổi thành xô xát, không đồng thuận có thể thành... đồng thuận" - đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số chia sẻ.

Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Hoàng Tú Anh - Trưởng Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) - Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).

Nạn nhân xâm hại tình dục lên tiếng là dấu hiệu đáng mừng

Tình trạng xâm hại, quấy rối tình dục nơi công sở không phải là hiếm nhưng không dễ có được những vụ được đưa ra ánh sáng. Vấn đề này đang được đề cập lại khi có một nữ phóng viên vừa lên tiếng từng bị xâm hại cách đây 22 năm. Bà nghĩ sao?

- Nạn nhân của quấy rối và xâm hại tình dục, chủ yếu là nạn nhân nữ ít lên tiếng vì không dễ chứng minh  làm rõ được sự việc. Các hành vi tình dục và các hình thức quấy rối, xâm hại cũng đa dạng. Một vụ việc bạo lực, xâm hại có thể dễ dàng bị đổi thành 'xô xát', không đồng thuận có thể bị biến thành đồng thuận. 

Đặc biệt, những phụ nữ được coi là không chuẩn mực bao gồm cả việc xinh quá, ăn mặc đẹp quá, tài năng quá, nói chuyện khéo léo duyên dáng quá nhất là với đồng nghiệp nam rất dễ bị gán cho các nhãn mác về đạo đức và bị đổ lỗi. Hay những phụ nữ bị xếp vào hàng "tiểu tam" hay dùng mối quan hệ thể xác để thu lợi về tài chính hay sự nghiệp thì càng khó ăn khó nói. 

Việc lên tiếng của Dạ Thảo Phương hay những nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục khác cần được coi là một dấu hiệu đáng mừng cả ở góc độ cá nhân và xã hội. Không chỉ là sự dũng cảm của họ mà sự lên tiếng của họ cũng cho thấy dù còn nhiều ý kiến trái chiều, họ đã cảm nhận được sự cởi mở, sự ủng hộ của xã hội cho sự lên tiếng của họ.

Hoàng Tú Anh

Bà Hoàng Tú Anh cho rằng việc nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục lên tiếng là tín hiệu đáng mừng. Ảnh: N.D

Đối với những vụ việc xảy ra cách đây đã lâu, thậm chí tới hàng chục năm mới lên tiếng. Như vậy thì nạn nhân rất khó để có thể đòi lại công lý...?

- Đúng là rất nhiều người hỏi tôi 'Vụ việc lâu thế rồi còn đưa ra làm gì? Giờ mọi thứ yên bài rồi, và cũng quá thời hạn xử lý rồi, đưa ra để được gì?". Nhưng tôi nghĩ rằng, nạn nhân xâm hại tình dục lên tiếng vì nhiều mục đích. 

Trước hết là họ mong muốn công lý được thực hiện. Công lý này có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Có một loại công lý chính thống tức là vụ việc được đưa ra tòa và phân xử nghiêm minh theo pháp luật. Cũng có một loại công lý khác là công lý xã hội. Ngay cả khi tòa chưa hay không phán xét thì một vụ việc đang từ bóng tối được đưa ra ánh sáng đã là một phần của công lý rồi. 

Với thời đại tin tức có thể chia sẻ dễ dàng, phán quyết của cộng đồng mạng có thể đóng vai trò thực thi công lý không kém gì phán xét của tòa án. Có người đưa ra chỉ với mong muốn có cái nhìn sòng phẳng với quá khứ, sự việc được nhìn nhận đúng như bản chất, những cái nhìn oan sai về họ được xóa bỏ. Có người đưa ra sự việc của mình lại không phải để đòi công lý cho bản thân mà muốn thể hiện sự chia sẻ, sự ủng hộ với những nạn nhân khác đã lên tiếng hoặc chưa lên tiếng. 

Do vậy, vụ việc dù đã xảy ra lâu, việc đưa ra ánh sáng không bao giờ là muộn nếu chúng ta biết rằng quấy rối, xâm hại tình dục vẫn có khả năng ảnh hưởng cuộc sống, thậm chí giết chết một người sau rất nhiều năm. Làm rõ được vụ việc trả lại sự trong sạch, sự an yên trong lòng của một người và mang lại hy vọng và động lực cho nhiều người khác.

Cần có chính sách bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục 

Thực tế các nạn nhân, hoặc người nhà nạn nhân khi lên tiếng tố cáo đã phải đối mặt với nhiều luồng dư luận, có đồng tình ủng hộ, có ý kiến "ném đá". Bà có cho rằng "im lặng" nhiều khi tốt hơn "lên tiếng"?

- Những luồng ý kiến trái chiều này chính là hệ lụy của việc một thời gian dài chúng ta không để ý đến giáo dục các giá trị cơ bản của xã hội với cách nhìn dựa trên quyền con người và lấy con người làm trung tâm để phân định thế nào là 'đúng'. 

Trẻ em và người lớn không nhận được giáo dục tình dục đúng mà chỉ nhận được các thông tin mang tính giáo điều, nặng tính đạo đức về tình dục với sự ảnh hưởng của các giá trị truyền thống mang nặng định kiến bất bình đẳng giới. 

Nhìn rộng ra, việc thiếu những chân giá trị này thể hiện hệ lụy của nó ở rất nhiều mặt của xã hội. Không chỉ các trường hợp bị quấy rối, xâm hại tình dục, các nạn nhân của bạo lực gia đình, của mua bán người cũng bị 'ném đá' như vậy. Trong lĩnh vực giáo dục, nhà trường và gia đình vẫn băn khoăn giữa việc giáo dục trẻ như thế nào và học bao nhiêu là đủ.       

Thời gian qua, có rất nhiều vụ việc phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại, bóc lột tình dục được đưa ra ánh sáng, song tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Theo bà, nguyên nhân từ đâu?

- Quấy rối, xâm hại tình dục có gốc rễ sâu xa là bất bình đẳng giới và các bất bình đẳng xã hội khác. Khi chưa có thay đổi trong các vấn đề này thì quấy rối và xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Thêm nữa, chính thái độ đổ lỗi cho nạn nhân, việc công lý không được thực thi và sự im lặng trong các trường hợp này khiến kẻ thủ ác không còn coi trọng pháp luật và dễ phạm tội hơn.

Thực tế, nhiều nạn nhân còn bị tố cáo ngược hoặc uy hiếp. Theo bà, chúng ta cần làm gì bảo vệ họ?

- Khoản 1 điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định người bị bạo lực có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. 

Trong các biện pháp bảo vệ có yêu cầu cách ly đối tượng không được phép lại gần hay có các hành vi gây nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm của người bị bạo lực. Pháp luật cũng cần chính sách tương tự như vậy đối với nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục. Trong nhiều trường hợp, còn cần quy định về đảm bảo tính bí mật thông tin của nạn nhân.

tố cáo xâm hại quấy rối tình dục

Bản tường trình của hoạ sỹ Lê Tâm - nhân chứng vụ việc xâm hại tình dục cách đây 22 năm. Ảnh: I.T

Để ngăn chặn hành vi xâm hại, bóc lột tình dục, theo bà, có nên áp dụng thêm các hình phạt hay chế tài đối với các đối tượng vi phạm?

- Để ngăn chặn xâm hại, quấy rối tình dục, thì giáo dục tình dục toàn diện cần được đưa vào trường học để trẻ em có thể tiếp cận sớm và được học về chủ đề này trong suốt quá trình lớn lên. Các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục cần được định nghĩa cụ thể hơn trong luật để người dân nhận thức rõ hơn và các vụ việc được xử lý thấu đáo hơn khi ra tòa. 

Tội trạng về quấy rối, xâm hại tình dục cần được ghi vào hồ sơ công dân. Những cá nhân đã từng mắc các vi phạm về quấy rối và xâm hại tình dục cần bị cấm tham gia một số công việc hay hoạt động có thể gây nguy hiểm cho người khác trong một thời gian đủ lâu hoặc thậm chí vĩnh viễn. Ví dụ: không được tham gia các hoạt động có thể tiếp cận nhiều người như biểu diễn, đóng phim, làm youtuber, tiktoker...; không được tham gia làm quản lý hay ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, đại sứ các chương trình. 

Người quấy rối xâm hại tình dục trẻ em không được làm các việc có tiếp xúc với trẻ em như giáo viên, người hỗ trợ hay làm tại các môi trường có nhiều trẻ em. Các cơ quan cần có các quy định thể hiện cam kết của các đơn vị về phòng chống quấy rối và xâm hại tình dục ở nơi làm việc, có cơ chế để người lao động công khai các sai phạm nơi công sở và được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc dễ dàng.

Xin cảm ơn bà!