Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn, lại không muốn con quấy nhiễu mình làm việc, nên đưa cho con ipad, hay điện thoại di động để con có cái mà chơi. Họ không ngờ chính thói quen này đã khiến nhiều đứa trẻ trở nên ít giao tiếp với người lớn, chậm nói và hay nổi nóng vô cớ, nhất là khi bị lấy lại điện thoại, ipad...
Mới đây, trên truyền hình, các bác sĩ khuyên cha mẹ nên dành thời gian nhiều hơn cho con cái. Nếu không, các bé chỉ biết giao tiếp với người giúp việc và với... điện thoại.
Thấy cảnh tượng người mẹ ra sức dỗ dành đứa con đang khóc, người bà không khỏi bàng hoàng và liên tục trách mắng con gái không chăm sóc tốt cho cháu của mình.
Bận làm việc, người mẹ để con gái chơi điện thoại từ sáng đến chiều. Đang lúc gay cấn trong cuộc họp online với sếp thì đứa con bất ngờ quấy rối, người mẹ liền nổi cáu khiến đứa con bật khóc dữ dội. Không cố tình lớn tiếng với con, cô nhẹ giọng xin lỗi: "Mẹ xin lỗi con… Con vừa coi điện thoại con vừa chơi đi nha. Mẹ cảm ơn con nha".
Bất ngờ, người bà từ ngoài đi vào thấy cảnh tượng cháu mình khóc dữ dội liền lên tiếng: "Con chăm con sao mà mẹ thấy đứt ruột quá, không ăn không uống gì từ sáng tới giờ. Nghe hai mẹ con khóc la quá trời".
Nói xong, người bà liền lấy ra nhiều loại trái cây cho cháu nhưng cô bé vẫn không thèm chú ý và liên tục lắc đầu. Thấy vậy, bà liền cho rằng đứa cháu đang chậm nói và trách móc người mẹ chăm sóc không tốt cho con mình.
Không tin vào lời của bà, người mẹ mới giải thích: "Nhiều khi con của con chưa biết tên của trái cây này, mà con thì chưa lên mạng để mở hình ảnh cho xem, nên nó không biết là chuyện bình thường mà mẹ". Nghe xong, người bà liền "nổi trận lôi đình" và nhờ chuyên gia tư vấn sức khỏe cho đứa cháu của mình.
Giải đáp thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, BS CK2 Nguyễn Thụy Minh Thư cho biết: "Khi con trẻ giao tiếp với thiết bị điện tử thì rõ ràng là chỉ có thiết bị điện tử nói chuyện với con. Những hành vi trên thiết bị điện tử không tốt thì cũng sẽ làm cho trẻ bắt chước theo, ảnh hưởng không tốt đến những phát triển về mặt tâm sinh lý của trẻ.
Đối với các trẻ từ 0 đến 6 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều thì khả năng chậm nói ở trẻ sẽ tăng lên đến khoảng 49% so với những đứa trẻ khác không tiếp xúc với thiết bị điện tử".
Để cải thiện tình trạng chậm nói ở trẻ, vị bác sĩ đưa ra lời khuyên: "Nếu trẻ nghiện xem tivi hoặc các thiết bị điện tử, phụ huynh không cần thiết phải cắt ngay lập tức mà có thể dùng các thiết bị điện tử đó để làm phần thưởng cho trẻ.
Đồng thời phụ huynh cũng bắt đầu giới hạn dần tần suất trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử.
Đặc biệt, phụ huynh nên kiềm chế cảm xúc và không nên đánh con. Đối với một số trường hợp trẻ chậm nói do bệnh lý thì việc bổ sung một số loại vitamin, khoáng chất như omega thì rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ".
Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, người mẹ biết được tác hại của việc cho con sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Đặc biệt, người mẹ biết được cách chăm sóc và khắc phục tình trạng chậm nói của con bằng việc bổ sung omega thực vật.
Bác sĩ nhi khoa được phát sóng định kỳ lúc 17h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.