Hầu hết các di tích khảo cổ thường là những khu đất trống, bởi mọi giá trị của di tích được bảo vệ vẹn nguyên bên trong lòng đất hoặc được khai quật, đưa về trưng bày, nghiên cứu tại các bảo tàng. Tuy nhiên, với di tích khảo cổ Rạch Núi lại khác - một di tích khảo cổ có thể khai thác nhằm phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử.
Trước những đổi thay của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nhiều vùng quê vẫn giữ được những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.
Qua năm tháng, những cây di sản nơi làng quê ấy không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bao thế hệ.
Từ bao đời nay, hình ảnh những cây me đứng sừng sững xung quanh khuôn viên Tổ đình Linh Sơn, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen và là một phần không thể thiếu trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây. Tổ đình Linh Sơn - chùa Núi nằm trên khu gò nhỏ cao hơn mặt đất tự nhiên 6m.
Gò được bao bọc bởi con rạch nhỏ gọi là Rạch Núi nên người dân địa phương gọi khu gò là Gò Núi Đất.
Nhìn thân cây xù xì in đậm dấu ấn thời gian, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - Huỳnh Trung Hậu cho biết, tháng 02/2018, cụm 10 cây me cổ thụ tại Tổ đình Linh Sơn được công nhận Cây di sản Việt Nam.
Đây là niềm tự hào rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. 10 cây me tuổi đời khoảng 300 năm đều có vóc dáng gần giống nhau, một thân thẳng đứng, tỏa bộ rễ nổi trên mặt đất. Những cây me này gắn liền với ngôi chùa cổ và tín ngưỡng tâm linh từ nhiều đời nay.
Trải qua nhiều thế kỷ mà con cháu đời sau vẫn được hưởng bóng mát từ cây. Đó là những giá trị to lớn mà những thế hệ đi trước đã gìn giữ, phát huy để lại cho muôn đời sau. Cụm cây me cổ thụ chùa Núi đều mang sắc thái văn hóa tâm linh, được cư dân quý trọng, bảo vệ.
Tại Long An, hầu hết Cây di sản Việt Nam đều mọc gần đình, chùa, miễu - những nơi thờ tự tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc. Theo Hòa thượng Thích Huệ Bạch - Viện chủ chùa Núi, việc vinh danh cho 10 cây me dựa vào luận cứ khoa học độ tuổi, chiều cao, độ to của cây.
Đây là những cây me được chùa Núi, người dân chăm sóc, gìn giữ, có tuổi thọ hàng trăm năm. Những cây me cổ thụ này được chùa rất trân trọng, bảo vệ, xem như bảo vật vì nó tôn nên sự cổ kính cho chốn tôn nghiêm này.
“Tuy nhiên, việc chăm sóc, giữ gìn những cây me này còn gặp khó. Thời gian trước, cây me to nhất, đẹp nhất trong cụm 10 cây me này bị sét đánh gãy. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến của lãnh đạo huyện Cần Giuộc được chặt một phần ngọn để bảo vệ nó” - Viện chủ nói.
Việc vinh danh Cây di sản Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với các di sản của tiền nhân. Qua đó, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, niềm tự hào tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, quảng bá hoạt động du lịch, nét đẹp về văn hóa, lịch sử gắn với đời sống của cộng đồng dân cư. Vì vậy, mong rằng mọi người cùng tiếp tục gìn giữ những cây cổ thụ được công nhận di sản.
Khu đất mang giá trị đặc biệt về khảo cổ học
Còn chùa Núi - ngôi chùa cổ tại Cần Giuộc, được thành lập từ năm 1867, có kiến trúc hình chữ tam, sơn màu vàng hoài cổ. Cũng như những ngôi chùa khác, chùa Núi mang những nét nổi bật của chùa chiền Nam bộ. Chùa nằm trên đỉnh gò nên khách viếng thăm không khỏi ngạc nhiên, thú vị khi bước từng bậc thang trên sườn dốc thoai thoải, cảm giác như đang ở vùng đồi núi. Đây còn là một địa chỉ đỏ ở địa phương.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Núi là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng, xuất phát đánh địch. Chùa còn là nơi liên lạc của du kích liên xã Đông Thạnh - Tân Lập.
Ngoài ra, ngôi chùa còn mang một giá trị đặc biệt khác khi tọa lạc trên khu đất có ý nghĩa về mặt khảo cổ học.
Gò Rạch Núi là một di chỉ khảo cổ quan trọng, có ý kiến cho rằng có thể xếp di chỉ Rạch Núi thành một tầng văn hóa riêng là “văn hóa Rạch Núi” bởi những điểm khác biệt nổi bật tại khu vực này so với các tầng văn hóa khác: Văn hóa Đồng Nai, văn hóa tiền sử Đông Nam bộ,...Rạch Núi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1937.
Năm 1978, Sở Văn hóa - Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tiến hành khai quật di tích với khoảng diện tích 60m2 thuộc phần sân trước của chùa Núi, thu được 300 hiện vật, gồm đá, xương, gốm.
Rạch Núi được đánh giá là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất với gần 5m. Trong khi đó, di chỉ khảo cổ học dọc sông Đồng Nai chỉ có tầng văn hóa dày 0,6 - 0,7m, di chỉ An Sơn có tầng văn hóa gần 4,5m. Điều đó minh chứng sự có mặt sớm của cư dân bản địa tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số giả thiết còn cho rằng, có thể thời điểm đó, cư dân Rạch Núi ngoài săn bắt đã bắt đầu chăn nuôi. Có nhiều tranh luận và giả thuyết xung quanh di chỉ khảo cổ Rạch Núi khiến di tích này có giá trị đặc sắc.
Những hiện vật khai quật được tại di chỉ Rạch Núi đang được bảo quản đầy đủ và nguyên vẹn tại các bảo tàng. Sau khi khai quật, các tầng văn hóa được bảo tồn, không bị xâm phạm, di vật vẫn còn được lưu giữ trong tầng văn hóa.
Đến thăm chùa Núi trong không gian thanh tịnh dưới bóng cây di sản và nghe câu chuyện kể về việc “hé bức màn” đời sống của những cư dân đầu tiên trên chính nơi mình đứng chắc hẳn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách viếng thăm...