Thơ viết về làng quê bây giờ chất chứa nhiều hoài niệm tiếc nuối buồn bã. Khi những người con của làng trở về quê cũ mà thấy làng không còn như hình ảnh xưa trong tâm tưởng đã mang theo suốt cả đường đời. Khi những thay đổi hiện tại của làng gây cảm giác mất mát, biến dạng cả cảnh quan và phong tục tốt đẹp của làng xưa. Khi lòng người nhớ làng, thương làng nhưng chỉ biết ngậm ngùi mà không biết đặt nỗi thương mong nhớ của mình vào đâu, lấy cái gì làm chỗ bấu víu mảnh hồn làng. Tập thơ này của Nguyễn Hiếu nói cái nỗi niềm tâm trạng tâm thức ấy.
Làng mình đây là cái làng Chèm quê của nhà thơ nằm ngoảnh ngực ra sông Hồng nước đỏ và sau lưng là cánh đồng lúa xanh. Đó là một ngôi làng Việt cổ với những công việc đã quen thuộc bao đời của một làng quê Bắc Bộ:
Làng Chèm của tôi mùa hè đi vớt củi rều
Chuỗi rá bung bênh đầu điếm canh đê
Chuồn chuồn ớt bồng bềnh trên bọt sóng
Cá chép vật đẻ quẫy vỡ trăng thu.
Đó là làng của những người đàn bà "hai mươi, trái hồng in gò má/ ba mươi bồ hóng sạm da/ Băm bèo quên lưỡi liềm trăng/ sàng gạo, lông mày cám đọng", những người đàn bà "một vai gánh cả đường trường/ Mênh mông bầu ngực, mấy vương sớm ngày". Đó là làng của những người đàn ông "vai u, lưng trần quật thổ đắp đê/ chiều về đan lạt, chẻ tre/ rít hơi thuốc lào khối loà nhoà mặt".
Những đàn bà đàn ông đó đã bị quăng quật bởi chiến tranh, bởi những sự đảo lộn xã hội, người bám trụ lại làng, người rời làng bỏ làng ra đi, nhưng dù ở đâu họ vẫn mang cốt cách làng, vẫn nhớ làng, vẫn đau đáu nỗi sợ mất làng. Tác giả tập thơ là một người như thế. "Gần chót đời rồi mới thấy làng ta đã dứt ra, phiêu diêu tưởng đã quên tưởng đã lùi xa sau muôn ngàn những toan tính vu vơ chợt một khoảng khắc buồn nhận ra không thể thiếu của mảnh hồn chộn rộn". Thơ Nguyễn Hiếu ở tập này vì thế là hồi ức của một người tuổi đã thất thập về lại làng tìm lại chú bé con là mình thuở nào sống tại làng, sống trong làng, sống cùng làng với biết bao cảnh vật trò chơi lễ hội như trong ca dao cổ tích. Dẫu biết "làm sao còn có được cái đau vô tư, cái nhìn bé xíu để trong phút giây quên được năm tháng nặng trên lưng mà khoả chân trong ao chiều quả vối rụng nâu mờ xanh bèo tấm." Giờ đây ông vẫn sống ở làng mình, nhưng đó đã là một cái làng khác làng ngày trước. Cho nên "về đến ngõ nhà rồi, ta ngu ngơ". Câu thơ nói một trạng thái tâm thần của người già bây giờ thoắt chợt thấy mình thành trẻ dại ngày trước, tưởng bây giờ là bao giờ. Nhưng "ngu ngơ" đây cũng là để nói nỗi bàng hoàng ngây dại trước sự biến thiên của làng đến như lạc mất làng. Vì làng đã hoá phố trong cơn đô thị hoá ồ ạt khiến người nông dân không còn nghề nông mà làm phải ra phố chạy chợ chạy hàng. Đến như một loài chim quen thuộc với làng cảnh Việt Nam là con cò đã đi vào ca dao từ bao đời mà nay cũng mất đất sống đến thành mất bóng không còn tăm tích ở làng. "Phận cò cũng hết cò khoăm / Đâu còn ghẹo vợ canh năm nữa rồi".
LÀNG MÌNH
Tác giả: Nguyễn Hiếu
Nhà xuất bản Văn Học, 2021
Số trang: 110 (khổ 19x19cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 100.000
Trước số phận làng như vậy, nhà thơ khái quát để nói một mong ước mà hai chữ "bao giờ" dùng ở đây có thể hiều là không còn bao giờ có lại nữa một cảnh làng ngày xưa.
Đồng xua nông dân đi đồng quạnh
Phố đông nông dân phố chênh chao
Bao giờ nghiêng nón quai thao
Bao giờ lại múc nước ao rửa cầy.
Đọc thơ Nguyễn Hiếu viết về làng mình ta bắt gặp những hình ảnh, câu chữ, lối nói quen thuộc mà bất ngờ. Ông viết "đồng ruộng co nhanh như lá chuối hơ lửa" để nói cái sự đất nông nghiệp bị biến thành đất xây dựng. Ông ví "lớp bê tông trơ lỳ như mặt thằng quỵt nợ" để thương nhớ những con đường làng lát gạch thuở trước. Ông nghĩ ra những chữ lạ. Chữ "bấm búc" trong một động tác nhai: "Vạt áo gụ em ấm rực túm ngô rang. Cứ đợi chờ gã con trai tay ráp như chân ngan, chúm môi nhai bấm búc". Chữ "núc ních" chỉ nước sông mùa lụt: "Sông núc ních chảy mênh mông". Chữ "chòn chõn" nói trăng: "Trăng chòn chõn giữa trời muốn lấy mặt sông soi gương". Chữ "lâng châng" nói tiếng thở ngắn dài tháng Giêng Hai.
Có những hình ảnh thơ của Nguyễn Hiếu đọc đến giật mình đau. "Con trai đưa cha không gậy chơi vơi" là nói tre ở làng nay không còn, đến cả đám tang cha mẹ người con trai chống gậy đi trước linh cữu theo phong tục "cha đưa mẹ đón" thì giờ cũng không có tre mà làm gậy nữa. "Nếu mai làng không còn tre" tác giả viết tên bài thơ như thế, nhưng rồi ông đã phải kêu lên "Tre mất hẳn rồi làng ơi", và khi đó thì "Gạo không lọt sàng cũng chẳng xuống nia". Một hình ảnh dân dã cũ, một thành ngữ nói lối sống xưa, nhưng đặt trong thi cảnh này thì có thêm nghĩa mới ngậm ngùi và chua chát.
Buồn thương, tiếc nuối, cả sự quặn đau nữa cho làng trước sự biến thiên đổi thay của làng là vậy, nhưng Nguyễn Hiếu vẫn tin vào sức sống trường tồn của làng mình, tin làng mình vẫn còn mãi, cái tinh chất của làng là vĩnh hằng.
Tôi đã biết năm tháng xiết chảy
Làng tôi trước gió muôn phương triệu năm vẫn vậy
Sông Cái nghìn đời cuồn cuộn ngoài kia
Sẽ cuốn trôi những gì lềnh bềnh
Còn tình yêu người Chèm là phù sa
Lặng lẽ bồi dưới đáy sông.
Tôi chợt nhớ tới vụ ồn ào gần đây quanh việc tu bổ đình Chèm, chặt bỏ cây đa trước cổng đình. Thơ có giúp gì được cho làng trước những việc thay đổi đó không? Thơ có nhắc được cho những người chức sắc phải thận trọng đắn đo với làng mỗi khi quyết định đụng đến nền móng di sản của làng quê. Chắc không. Nhưng tấm lòng canh cánh yêu thương, xót xa và lo âu cho làng quê Việt của các nhà thơ như Nguyễn Hiếu và tập thơ "Làng mình" sẽ đánh động được tâm thức của nhiều người dân Việt là con của làng. Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói vậy. Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân, một nhân vật của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói vậy. Dẫu bây giờ có những thế hệ không sinh ra ở làng, nhưng tận trong căn cốt người Việt vẫn có một bóng làng, hồn làng, dù lặn chìm sâu. "Có một lần thấy người ấy làm duyên/ Ở cái ngày xưa rất xa xưa ấy…"
Nguyễn Hiếu, nhà văn, nhà viết kịch với nhiều tác phẩm đã xuất bản, đã dàn dựng. Và ông là nhà thơ đưa người đọc về với làng mình, mẹ mình. "Con đang về/ Con đã về đây" mẹ ơi, làng ơi – trong tâm tưởng người đọc như cũng muốn kêu lên thế khi "bây giờ ta lại về làng" cùng nhà thơ.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 12/4/2022