Đọc sách cùng bạn: "Nhờ dân, được nết trọng tình người"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 15/03/2022 07:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi giới thiệu với bạn cuốn sách "Nguyễn Tiến Chương cuộc đời và sự nghiệp" do nhiều tác giả viết. Đọc cuốn sách này ta sẽ được gặp một con người.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Nhờ dân, được nết trọng tình người" - Ảnh 1.

Nguyễn Tiến Chương là ai? Đó là một con người đã cống hiến trọn đời mình vì dân vì nước. Ông là con của "cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong". Sinh năm 1920 tại quê mẹ Khánh Hòa nhưng ông đã trở về hoạt động cách mạng và trưởng thành ở quê cha Hà Tĩnh, kinh qua các chức vụ cao nhất của "Quân Chính Đảng" tại một tỉnh. Quân - ông là Tỉnh đội trưởng Hà Tĩnh. Chính – ông là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Tĩnh. Đảng – ông là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh và khi tỉnh Nghệ Tĩnh thành lập thì ông là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ. Nhưng các chức vụ dù có cao đến đâu cũng không ghi được dấu ấn một con người với dân với nước nếu người lãnh đạo ở các chức vụ ấy không thật tâm lo cho nước cho dân. Ông Nguyễn Tiến Chương được người dân núi Hồng sông La cảm phục và biết ơn vì ở bất cứ cương vị nào ông cũng lấy lợi ích của người dân làm trọng. Cuốn sách này cho ta biết được ông là người thế nào.

NGUYỄN TIẾN CHƯƠNG CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Nhiều tác giả

Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022

Số trang: 323 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 800

Sách không bán.

Ông Nguyễn Tiến Chương đã từng bị bắt giam ngồi tù trong cuộc Cải cách ruộng đất. Chính ông đã viết về việc này trong bản kiểm thảo tại cuộc chỉnh đốn tổ chức ở Hà Tĩnh mà trong sách có in lại. Ông viết: "Ngày 6/1/1956, tôi đang đang làm việc ở Uỷ ban Cải cách ruộng đất Quân khu IV thì Ban lãnh đạo Chỉnh đốn tổ chức Hà Tĩnh vào và nói một cách khẳng định với tôi: "Anh là phản động rõ ràng rồi, phải báo cáo âm mưu và tổ chức phản động với Đảng để được hưởng khoan hồng." Nói xong đưa tôi vào một gian nhà đá, và từ đó cho đến ngày 13/1/1956 truy bức tôi liên miên, bắt tôi phải nhận là phản động, âm mưu, tổ chức phản động." (tr. 107). Thấy mình bị oan và cũng thấy ra những sai lầm của cuộc cải cách và chỉnh đốn tổ chức ông tìm cách viết thư gửi lên Bác Hồ và Trung ương nói rõ sự thật – "Cán bộ cải cách phóng tay/ Quy sai địa chủ hại người có công/ Cán bộ chỉnh đốn còn hơn/ Quy thành phản động hàng ngàn đảng viên" (thơ của ông viết tháng 3/1956 tại trại giam, tr. 111). Phải nhịn ăn đến 10 lần ông mới được ban lãnh đạo trại giam cho viết thư nhưng chỉ được viết trong một tờ giấy và rồi họ cũng không chuyển thư đi. "Thấy ban lãnh đạo lừa dối, mặc dù người đã yếu, tôi vẫn phải nhịn ăn thêm 4 ngày nữa (từ 2/2 đến 6/2) để buộc ban lãnh đạo phải gửi thư đã cho tôi viết lên tận tay Hồ Chủ tịch và Trung ương. Trong 48 ngày ở xà lim Cầu Đông, không chỉ những nỗi đau ê chề khác, chỉ riêng trong 14 ngày tôi nhịn ăn, ban lãnh đạo đã nhiều lần ra lệnh cho cảnh vệ và cả phạm nhân thường nạy miệng bẻ răng tôi đổ cháo, đến nỗi rách cả môi, tróc cả răng, bịt mồm đổ mũi như đổ cho lợn." (tr. 109) Cuối cùng nhờ Trung ương cứu xét ông và nhiều đồng chí khác đã được giải oan, phục hồi công tác. Cũng chính ông khi trực tiếp làm công tác sửa sai đã dũng cảm bảo vệ cho những người từng hoạt động cách mạng bị oan vì gia đình họ có tài sản. Ông nhấn mạnh: "Thời ấy chỉ có những người có trí tuệ để biết làm giàu mới có tiền của để nuôi cán bộ cách mạng chứ dân nghèo lấy gì để nuôi…" (tr. 103). Một nhận thức đúng đắn có từ sớm đã kịp thời cứu sống đồng chí của mình tại một địa phương cụ thể.

Tháng 6/1957, ông Nguyễn Tiến Chương được giao nhiệm vụ trưởng ban đón tiếp Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm và kiểm tra công tác sửa sai ở Hà Tĩnh. Ông nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên này của đời mình. "Tuy nhiên còn có điều làm tôi băn khoăn day dứt. Bác về thăm nhưng thời gian quá ngắn; Bác mới gặp được cán bộ mà chưa trực tiếp gặp dân và dân chưa trực tiếp được gặp Bác." (tr. 100). Nỗi day dứt này cứ đeo bám ông mãi đến mức ông muốn đề nghị tỉnh uỷ mời Bác về thăm Hà Tĩnh lần hai. Phải hơn mười năm sau tại Hà Nội trong một dịp được gặp Bác ông mới mạnh dạn nói lên nguyện vọng này của mình thay mặt cán bộ và nhân dân tỉnh nhà. Khi nghe Bác nhắc là Bác đã vào thăm Hà Tĩnh rồi, ông đáp: "Dạ, năm 1957 Bác vào rồi, những ngắn quá, đồng bào chưa được gặp Bác." (tr. 119). Chỉ một chi tiết này đủ nói lên tấm lòng vì dân của ông.

Vì dân nên ông đã nghĩ tới hồ Kẻ Gỗ từ sớm. Từ năm 1957 khi đang làm Trưởng Ban tuyên huấn tỉnh ông đã có ý bàn bạc với Bộ Thuỷ lợi về việc này. Cũng năm này Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh cũng đã có nói đến Kẻ Gỗ và nhắc lãnh đạo tỉnh lục lại hồ sơ thiết kế của người Pháp hồi trước để nghiên cứu, chuẩn bị. Thời kỳ làm Chủ tịch (1967 – 1971) rồi Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh (1972 – 1976) ông Nguyễn Tiến Chương càng nung nấu ý định về Kẻ Gỗ. Đến khi công trình được phép khởi công (26/3/1976) thì ông ở cương vị là Phó Bí thư thường trực tỉnh Nghệ Tĩnh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nhờ quyết tâm của ông cùng lãnh đạo tỉnh, nhờ công sức mồ hôi của hàng vạn người dân, công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ ngày nay là niềm tự hào của tỉnh Hà Tĩnh vang vọng mãi trong câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Vì dân nên chính ông bằng sự bảo đảm của mình đã giúp được cho nhiều người có lý lịch thành phần phức tạp trong thời buổi còn coi trọng lý lịch được vào Đảng, được đi học, có đóng góp cho xã hội. Một trường hợp tiêu biểu là thầy giáo toán Lê Quốc Hán. Nhờ thầy giáo Nguyễn Văn Hoàn ở quê, giáo sư Lê Văn Thiêm ở Hà Nội, và Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Chương với suy nghĩ "phải ưu tiên chất xám trước" nên người giáo viên trường làng Lê Quốc Hán có tài năng toán học nhưng mang một "lý lịch đen" là có hai người bác đang ở Mỹ, cậu em mẹ đang ở chính quyền Sài Gòn, gia đình theo Thiên Chúa giáo, năm 1977 đã được vào Đại học Vinh. Một tài năng toán học suýt nữa đã bị mai một nếu không có sự quyết đoán bằng tấm lòng thương người và quý trọng nhân tài của người lãnh đạo. Và PGS. TS, Nhà giáo Ưu tú, Nhà thơ Lê Quốc Hán hiện nay đã chứng thực lòng tin vào con người của nhà chính trị Nguyễn Tiến Chương từ lúc không khí xã hội còn nhiều dè dặt, nghi kị. Bài viết của chính người thầy đó trong cuốn sách (tr. 136) sẽ cho người đọc biết rõ thêm sự việc này. Ông Nguyễn Tiến Chương là vậy. Với ngay một người bạn của con mình ông cũng coi như con trai, tự mình chăm lo sắp xếp cho ngày cưới được chu đáo, vẹn toàn.

Cuốn sách "Nguyễn Tiến Chương cuộc đời và sự nghiệp" bên cạnh những ghi chép có tính chất nhật ký tự truyện của ông, những bài viết của đồng chí, bạn hữu, con cháu về ông, còn có những bài thơ ông viết trong suốt cuộc đời dài hơn thế kỷ của mình. Ông làm thơ cốt để nói lòng mình. Những bài thơ câu thơ ấy càng làm nổi rõ tấm lòng thương dân thương người của ông.

Bài thơ chưa trọn, ý chưa xong

Có phải vì đâu thiếu tấm lòng

Bởi lúa ngắn bông, khoai ít củ

Núi Hồng còn vắng những hàng thông. (1968)

Cửa Sót ơi, hãy mở rộng tấm lòng

Và Vũng Áng dang tay mời bè bạn

Tàu đến tàu đi, than đen muối trắng

Cảng rộng biển dài nâng tầm vóc quê hương. (1973)

Một người lãnh đạo đã sớm nghĩ được như vậy là người đầy trách nhiệm với cuộc sống của người dân, của địa phương mình gánh vác và rộng ra là của cả đất nước.

Cuốn sách này ra để mừng 102 tuổi ông Nguyễn Tiến Chương (10/3/1920). Nhưng ngày 8/3/2022 ông đã từ biệt cuộc đời, để lại niềm tiếc thương và tự hào cho gia đình và quê hương. Ông đã đi suốt cuộc đời hơn trăm năm làm cách mạng vì dân vì nước. "Có Đảng nên người yêu lý tưởng/ Nhờ Dân, được nết trọng tình người" (1990). Giờ đây, ông đi về cõi vĩnh hằng đẹp như từng mong: "Hoàng Thảo trưa hè bỗng nở hoa/ Cành tơ dìu dịu mát trời xa/ Đường lên cách mạng chông gai thế/ Máu rớm chân người, đá nở hoa" (1975).

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 14/3/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem