Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam với tựa đề “Việt Nam - đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý 2,” Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 khi các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.
Báo cáo cũng nhận định quá trình phục hồi kinh tế có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối quý 2 khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch phục hồi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Standard Chartered, Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro ngắn hạn, đặc biệt là liên quan đến sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và các rủi ro đến từ tình hình dịch bệnh.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chính phủ đã dỡ bỏ quy định về cách ly cho khách quốc tế đến Việt Nam kể từ giữa tháng Ba. Chúng tôi cho rằng việc mở cửa lĩnh vực du lịch, vốn đóng góp 10% vào GDP, sẽ là yếu tố cần được quan sát và đánh giá sát sao trong quý 2 năm nay sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh.”
Cũng theo các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và một và da giày,” ông Tim Leelahaphan cho biết thêm.
Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo về lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% cho năm 2022 và 5,5% cho năm 2023. Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị hiện tại.
Đối với đồng Việt Nam, Standard Chartered cũng tiếp tục đánh giá tích cực. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay khi lĩnh vực du lịch phục hồi, mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao. Ngân hàng dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.300 đồng vào cuối năm 2022 và 22.000 đồng vào cuối năm 2023.
Trước đó, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.”
Chuyên gia ADB phân tích sự phục hồi có thể đạt được nhờ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (ERDP) trong năm 2022 và 2023 gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Còn các chuyên gia HSBC thì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,2%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,3%./.