Dân Việt

Bóc thứ vỏ cây cay nồng bán đi khắp thế giới, Việt Nam thu ngay 291,8 triệu USD

K.Nguyên 13/04/2022 18:36 GMT+7
Theo Bộ NNPTNT, tiềm năng xuất khẩu quế Việt Nam rất lớn, hiện sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ trên hầu hết các thị trường như; Mỹ, EU, Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang xúc tiến xuất khẩu quế hữu cơ sang Mỹ.

Quế Việt Nam đã bán đi bao nhiêu nước?

Theo báo cáo của Vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp), tính đến năm 2020, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.

Vỏ quế là sản phẩm chính, hiện đang mang lại 76% doanh thu từ rừng quế. Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng bình quân đạt khoảng 70.000 – 80.000 tấn/năm.

Giá trị xuất khẩu quế hồi năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 giá trị xuất khẩu quế hồi đạt khoảng 291,8 triệu USD, tăng gần 20% so với năm 2020.

Sản phẩm quế Việt Nam được tiêu thụ trên hầu hết các thị trường như; Mỹ, EU, Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Riêng tại Ấn Độ, 80% sản lượng quế nhập khẩu của nước này đến từ Việt Nam.

Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. Lợi nhuận thu được từ chưng cất tinh dầu quế là rất cao, tuy nhiên một số nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế chưa được xây dựng theo chuẩn quy hoạch.

"Dòng sản phẩm vỏ quế của nước ta được đánh giá cao về chất lượng thô, tuy nhiên sản phẩm chế biến gặp nhiều hạn chế do công nghệ khai thác, chế biến ở mức độ kỹ thuật còn thấp kém so với thế giới và không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Do điều kiện kinh tế và chu kỳ kinh doanh dài người dân có xu hướng khai thác quế ở tuổi còn non, trồng rừng thâm canh chưa phát triển dẫn đến chất lượng sản phẩm quế còn thấp" - báo cáo của Vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp cho biết.

Đơn cử như tại Yên Bái, toàn tỉnh có 8 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất 700 tấn/năm đặt ở các huyện có diện tích quế tập trung.

Bóc thứ vỏ cây cay nồng bán đi khắp thế giới, Việt Nam thu ngay 291,8 triệu USD - Ảnh 1.

Tính đến năm 2020, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Trong ảnh: Nông dân Lào Cai sơ chế quế. Ảnh: TTXVN.

Ngoài các nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn, Yên Bái còn có hơn 200 cơ sở chưng cất tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, sản lượng 300-800 kg/cơ sở/năm.

Thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam có trên 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là các công ty thương mại, chỉ quan tâm đến việc mua bán mà không quan tâm đến việc xây dựng mối liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu. Các công ty hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị rất ít.

Nâng cao giá trị quế Việt Nam

Để nâng cao giá trị quế Việt Nam, mới đây,  Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) và Công ty Americata đã ký kết và công bố nhà tài trợ thành lập và vận hành Vinasamex tại Mỹ nhằm thúc đẩy quế hữu cơ sang thị trường Mỹ. 

Được biết, Vinasamex là nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Bombay Sapphire (Anh), trà thảo mộc Teeccino (Mỹ), thức uống quế Sujeonggwa (Hàn Quốc), chuỗi cửa hàng bánh quế (Mỹ))…

Hiện diện tích quế, hồi đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Vinasamex là 4.200 ha tại 3 vùng nguyên liệu chính là Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai. 

Mỗi năm, Vinasamex xuất khẩu hơn 1.300 tấn quế, hồi hữu cơ sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. 

Vinasamex liên kết ký hợp đồng bao tiêu với hơn 2.115 hộ nông dân sản xuất theo đúng quy trình hữu cơ với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, vùng nguyên liệu của công ty không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, giá thu mua quế cho nông dân luôn cao hơn bình thường, hiện đạt 27.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tinh dầu quế của thế giới rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu. 

Nhu cầu về quế tăng nhanh hơn so với sự gia tăng của nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá quế ngày càng cao, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay.

Đứng thứ 3 thế giới về sản xuất quế, sau Trung Quốc và Indonesia, chất lượng các sản phẩm quế Việt Nam được đánh giá cao, thậm chí giá xuất khẩu quế Việt Nam còn cao hơn quế của Trung Quốc, Indonesia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành lâm nghiệp, các địa phương có diện tích quế lớn cần tập trung sản xuất nguyên liệu có giá trị cao, có chứng nhận, theo chuẩn kỹ thuật quốc tế, chất lượng đảm bảo, ổn định. 

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chuỗi cung ứng cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu đi EU, Bắc Mỹ để nâng cao uy tín, thương hiệu quế Việt Nam.