Slovakia tuần trước đã trở thành quốc gia đầu tiên tặng hệ thống phòng không S-300 tối tân do Nga sản xuất cho Ukraine, khi các nhà lãnh đạo ở Kiev xin NATO cung cấp thêm các loại vũ khí phòng không ngày càng tốt hơn để ngăn chặn các cuộc oanh tạc từ trên không của Nga.
Tuy nhiên ngay sau đó, Nga tuyên bố đã phá hủy hệ thống phòng không S-300 mà Slovakia tặng cho Ukraine này. Dù Văn phòng Thủ tướng Slovakia Eduard Heger bác bỏ tuyên bố của Nga và nhấn mạnh rằng, đây là "thông tin sai lệch", song, các nhà quan sát nhấn mạnh, chỉ riêng hệ thống S-300 mà Slovakia tặng Ukraine dù còn hoạt động hay không, cũng vẫn không đủ để bổ sung vào mạng lưới phòng không do Ukraine điều khiển.
Khi Kiev chuẩn bị đối mặt với cuộc tấn công mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở khu vực phía đông Donbass, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ của phương Tây trong việc này.
Lâu nay, NATO vẫn liên tục "bơm" vũ khí cho Ukraine, đặc biệt chú trọng cung cấp các hệ thống phòng không tầm xa cho nước này để ngăn chặn quân Nga nhưng ít gây ra nguy cơ leo thang xung đột trực tiếp giữa liên minh với Nga hơn. Ukraine đã nhận được khoảng 25.000 vũ khí phòng không di động kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu, tướng Mỹ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết tuần trước. Ông khẳng định thêm: "Người Ukraine cực kỳ biết ơn" vì sự hỗ trợ này.
Nhưng những vũ khí phòng không di động vác vai này không thể tiếp cận mục tiêu ở tầm cao, như S-300 và các hệ thống tương tự khác. Chúng cũng không thể đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga, vốn đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho các mục tiêu quân sự cũng như cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Vì thế, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sẽ đến Brussels để gặp các Ngoại trưởng NATO vào thứ Năm tới nhằm đề nghị cung cấp thêm vũ khí. Trong số những yêu cầu trang bị vũ khí của ông có "hệ thống phòng không hạng nặng" như S-300.
Phòng không tầm xa của Ukraine càng tốt thì máy bay Nga sẽ buộc phải bay càng thấp. Điều này khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước các loại vũ khí di động được lực lượng mặt đất Ukraine sử dụng.
Ukraine được cho là có khoảng 100 khẩu đội S-300 trước khi xung đột với Nga bắt đầu, tổng cộng có khoảng 300 bệ phóng. Các số liệu nguồn mở cho thấy nước này đã mất ít nhất 21 bệ phóng — tương đương với 7 khẩu đội từ đầu xung đột đến nay.
Andriy Ryzhenko, một đại úy hải quân đã nghỉ hưu và là cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ukraine, nói với Newsweek rằng, chỉ một hệ thống S-300 của Slovakia sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn nhưng dù sao thì nó cũng có ích".
Ông Ryzhenko cũng cho biết sức mạnh của không quân của Nga là vấn đề lớn nhất của Ukraine. “Các cuộc tấn công bằng đường không là ưu điểm duy nhất của họ. Chúng giúp giảm thiểu sự mất mát của họ", ông nói.
Alexander Khara, trước đây là cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine kiêm quan chức Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với Newsweek rằng mọi vũ khí phòng không ủng hộ cho nước ông đều được hoan nghênh.
"Mỗi hệ thống SAM (tên lửa đất đối không) bổ sung cho phép chúng tôi thách thức Nga ở phía đông Ukraine trong khi vẫn bảo vệ bầu trời của phần còn lại của Ukraine. Chúng tôi có những con người năng động và có năng lực, và bây giờ chúng tôi cần tăng cường hỏa lực: pháo tầm xa, xe bọc thép, xe tăng để ngăn chặn bước tiến xa hơn của quân Nga và để thực hiện các hoạt động phản công của chúng tôi", ông Khara nói thêm.