Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, việc thu phí đối với dự án đường bộ cao tốc xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách là bất hợp lý bởi lấy tiền thuế của người dân xây dựng đường nhưng lại bắt người dân phải trả phí trên chính con đường đó.
Ông Doanh đề nghị: "Không nên thu phí, nếu xem thế giới, chúng ta thấy nước Đức từ trước Thế chiến 2 đã phát triển đường cao tốc, không thu phí, sau đó đến nước Mỹ mới bắt đầu làm đường cao tốc và thành quả là họ phát triển cực thịnh như hiện nay".
Hiện nay chúng ta có cơ chế hợp tác PPP, thu phí là dựa trên cơ sở có sự đóng góp vốn của tư nhân dựa trên cơ sở đóng góp và lựa chọn còn hợp lý. Còn những đường cao tốc được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nêu thu phí sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí, tăng giá thành sản xuất, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân...
"Tôi thấy điều này không có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tôi đề nghị chưa nên tiến hành thu phí đường cao tốc xây dựng bằng vốn ngân sách. Tôi hy vọng Quốc hội xem xét các ý kiến kể trên", TS. Lê Đăng Doanh nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói: "Tôi không đồng tình với đề xuất này, từ khi họ dự kiến đưa ra lấy ý kiến dư luận, đến thời điểm hiện nay là đưa ra đề xuất trình Quốc hội thông qua, sửa Luật đường bộ. Đây là vấn đề liên quan đến chi phí doanh nghiệp, tính hợp lý, hợp pháp của vấn đề".
Nguyên chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi cũng như nhiều người phản đối đề xuất này bởi không thể hiểu được việc lấy tiền của người dân đi đầu tư làm đường, rồi lại thu phí của chính người dân được. Dù họ có lý giải việc thu hồi vốn hay cải tạo hệ thống đường cũ thì cũng không hợp lý".
Ông Thanh nói tiếp: "Các dự án đường cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng trở thành huyết mạch, thúc đẩy tăng trưởng nhưng không huy vộng vốn tư nhân mà phải chuyển sang đầu tư công bằng ngân sách, nếu thu phí phương tiện dễ dẫn đến bất bình trong xã hội".
Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nếu đồng ý thu phí các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách, cái được chỉ trước mắt, nhưng cái mất sẽ rất lớn, trong đó có thể không bao giờ huy động được hình thức đầu tư PPP tham gia xây dựng hệ thống hạ tầng.
"Nếu quyết định thu phí ở các dự án đầu tư bằng tiền ngân sách, nhà đầu tư BOT, BT hay BTO sẽ nhìn vào thế nào? Họ có dám bỏ tiền ra để đầu tư và thu phí không? Nếu tư nhân đầu tư thu phí, Nhà nước đầu tư cũng thu phí, ai sẽ cạnh tranh lại với ai? Cơ chế ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa ở đâu? rõ ràng đây sẽ là vòng luẩn quẩn", ông Thanh chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng (TP.Hải Phòng) cho rằng: "Việc thu phí theo số lượt ở các dự án đường cao tốc xây dựng bằng nguồn ngân sách sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn do chí phí tăng thêm, phí chồng lên phí. Áp lực từ cước vận tải sẽ đẩy gánh nặng lên vai người dân, doanh nghiệp, trong khi hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn để phục hồi lại sau 2 năm đại dịch".
Đầu tháng 1/2022, Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương chuyển 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc- Nam sang đầu tư công bằng vốn ngân sách Nhà nước gần 147.000 tỷ đồng (6,4 tỷ USD) giai đoạn 2021-2025.
Mới nhất, Bộ GTVT đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định. Nếu chủ trương được thông qua, liên Bộ Tài chính - GTVT sẽ xây dựng phương án thu phí cụ thể.
Trước mắt việc thu phí sẽ tập trung các dự án cao tốc TP.HCM -Trung Lương đã có, La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) sắp hoàn thành và 4 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành năm nay là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Về phương án mức phí đưa ra dự kiến, Bộ GTVT cũng đưa ra dự kiến mức phí có thể từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi và tính toán có thể thu về ngân sách tại 8 đoạn cao tốc trên khoảng 2.130 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí bảo trì, chi cho hoạt động thu phí).
Hiện doanh nghiệp vận tải, người sử dụng ô tô tại Việt Nam đang phải trả nhiều loại phí cầu đường. Về mức phí sử dụng đường bộ áp dụng từ ngày 1/10/2021, mức phí thấp nhất đối với ô tô con dưới 10 chỗ ngồi là 130.000 đồng/xe/tháng, cao nhất đối với với xe đầu kéo là 1,4 triệu đồng/xe/tháng. Tổng mức phí dao động từ 1,56 đến 17 triệu đồng trên đầu phương tiện (tùy thuộc vào loại xe).
Ngoài ra, các phương tiện còn phải nộp các loại phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường, phí BOT qua các dự án do tư nhân xây dựng; phí bảo vệ môi trường trong nhiên liệu hay một số địa phương (Hải Phòng) doanh nghiệp vận tải phải nộp phí sử dụng cảng biển....