Dân Việt

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero

Châu Mỹ 16/04/2022 09:58 GMT+7
Những tinh hoa còn lại của dòng nhạc Bolero từng làm nức lòng bao thế hệ người Việt, giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhạc sĩ Y Vũ sống ở quận 12, Bảo Thu (quận 4), Trương Hoàng Xuân (Phú Nhuận), Vinh Sử (quận Bình Tân)... Dù từng phải mưu sinh nhiều nghề, đam mê âm nhạc trong họ luôn cháy bỏng. 

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang

Nhiều năm qua, khi dòng nhạc Bolero bùng nổ trở lại, tên tuổi họ cũng được nhắc đến nhiều hơn, đời sống được quan tâm hơn. Ít ai biết đằng sau mỗi bản tình ca nức lòng giới mộ điệu, là một câu chuyện dài đầy thăng trầm của mỗi số phận.

Những nhạc sĩ sống đời cô đơn nhiều năm, tìm vui trong âm nhạc

Người dân trong con hẻm trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM quen với hình ảnh một ông già sống âm thầm trong căn nhà nhỏ. Mỗi khi có việc đi chợ, đi viện hoặc buồn quá muốn lái xe chạy vòng vòng thành phố, ông mới ra khỏi nhà. Đó là nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, tác giả nhiều tình khúc Bolero được ái mộ như Bạc trắng lửa hồng, Những ngày hoa mộng, Xé thư tình...

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Bảo Thu và vợ - ca sĩ Thanh Tâm.

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân bắt đầu cảnh sống cô đơn cách đây hơn 20 năm, sau khi ly hôn. Căn nhà ông đang ở chưa đầy 20m2. Tầng trệt vừa là phòng khách, vừa là chỗ để xe và nhạc cụ. Không gian dành cho bếp và nhà vệ sinh liền kề vẻn vẹn chừng 5 m2. Nhạc sĩ ngủ trên gác lửng bên cạnh vô số sách, tài liệu cá nhân và những kỷ vật gia đình.

Từ lâu, Trương Hoàng Xuân ngừng sáng tác vì không còn cảm hứng. “Tôi không muốn chạm vào đàn nữa vì chúng gợi nhiều ký ức đau buồn. Chính mẹ tôi còn nói “xướng ca vô loài”, vì quan niệm đó mà tôi chịu nhiều thị phi khi vừa làm thầy giáo, vừa chơi nhạc. Nhiều người đặt điều, nhờ danh nhạc sĩ nên tôi có nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Nếu có, chắc giờ, tôi đã hạnh phúc vì chí ít cũng có một đứa con rơi ở cùng”.

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân trong căn nhà khi xưa.

Nhạc sĩ sống khép kín với hàng xóm, hiếm khi ra khỏi nhà, khi buồn nhất, ông chạy xe khắp thành phố, len lỏi vào những con hẻm nhỏ cho đến khi mệt thì quay về.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang - tác giả của Hoa mười giờ, Người yêu cô đơn, Trái tim sỏi đá... cũng bắt đầu cuộc sống cô đơn cách đây vài năm, sau khi vợ ông ra đi. Khi bà con sống, ông vừa tham gia nhiều dự án âm nhạc, vừa cùng các con chăm sóc tận tình người vợ bệnh tật liên miên. 

Sau khi vợ mất, ông để lại ngôi nhà rộng rãi cho con trai, tìm mua một căn nhà nhỏ hơn để sống một mình, dành toàn tâm cho sáng tác, giảng dạy. Nhiều năm nay, người hâm mộ thấy Đài Phương Trang xuất hiện nhiều trên các chương trình truyền hình, không hẳn là một cách hâm nóng tên tuổi, mà là một cách để ông khỏa lấp cô đơn tuổi già.

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Vinh Sử sống cùng người vợ thứ ba.

Nhiều năm trước, Vinh Sử chung sống với bệnh tật trong căn nhà nhỏ chưa đầy 12m2, trên con hẻm nằm hút trong đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Từng làm nức lòng bao khán giả với các tình khúc một thời vang bóng: Gõ cửa trái tim, 0 giờ rồi, Mưa bụi..., tuy có nhiều vợ nhưng ông lựa chọn sống một mình cho tự do và “tiện cho sáng tác”. 

Căn nhà của ông ngoài đồ đạc cá nhân, chẳng có gì đáng giá. Hàng ngày ông uống cà phê, ăn cơm bụi, tự vệ sinh cá nhân và sáng tác. Tuy nhiên, tới năm 2020, trong một lần vào viện cấp cứu do biến chứng của bệnh ung thư đại tràng, Vinh Sử buộc phải nghe lời người thân, chuyển về sống cùng vợ thứ ba tại quận Tân Bình.

May mắn hơn nhiều nhạc sĩ khác, "ông hoàng nhạc sến" được vợ chăm sóc chu đáo tận tình nên sức khỏe và dung mạo tốt hơn rất nhiều so với thời ông ở một mình.

Nhạc sĩ mưu sinh chật vật tuổi xế chiều

Một thời, ca khúc Tôi đưa em sang sông khiến nhiều người nghe nhạc day dứt. Bài hát kể về nỗi niềm của một người đàn ông lỡ hẹn mối duyên trăm năm với cô gái anh yêu tha thiết. Tiễn cô về nhà chồng trong ngày vu qui, dẫm lên xác pháo, dưới cơn mưa lạnh, chàng trai thương phận mình một, thương số kiếp mong manh của những phụ nữ “lỡ bước sang ngang” mười, hai mươi lần...

Ít ai biết, tác giả ca khúc – nhạc sĩ Y Vũ – em trai cố nhạc sĩ Y Vân, từ một công tử Hà Thành hào hoa, đã từng phải đi buôn ve chai để trang trải cuộc sống gia đình.

“Chiến tranh loạn lạc khiến tôi mất hết tài sản. Sau khi đất nước thống nhất, tôi từng làm đủ nghề để sinh sống. Mỗi ngày dậy từ 4h đi hứng mủ cao su. Có thời gian, tôi làm công nhân trên công trường xây dựng, kéo hàng chục chuyến xe chất đầy bao xi măng. Không trụ nổi, tôi chuyển sang buôn ve chai tới gần 10 năm mới ngưng”, Y Vũ chia sẻ.

Sài Gòn - mảnh đất của nhiều nhạc sĩ tài hoa gắn với dòng nhạc Bolero - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Y Vũ

Tự nhận mình xấu trai nhưng lại nổi tiếng “đào hoa”, Y Vũ có rất nhiều cuộc tình đi qua trong đời, nhưng tận đến năm 66 tuổi ông mới sống đời vợ chồng đúng nghĩa với một phụ nữ từng qua một lần đò có ba con riêng. Nhiều năm trước, Y Vũ còn đi chơi đàn ở các phòng trà, những năm gần đây, ông phổ nhạc cho thơ theo đơn đặt hàng và hưởng tác quyền các ca khúc của mình.

Nhạc sĩ hoài niệm một thời Sài Gòn vang bóng

Không đến nỗi cực khổ mưu sinh như Y Vũ, nhạc sĩ Bảo Thu - tác giả ca khúc nổi tiếng Giọng ca dĩ vãng, Cho tôi được một lần... có đời sống khấm khá hơn nhờ ông có nghề chính là ảo thuật. 

Sống trong một căn nhà khá rộng tại quận 4, TP.HCM, Bảo Thu ngày ngày chơi nhạc, dạy nhạc, nuối tiếc một thời hoa lệ Sài Gòn xưa mỗi khi tập một ca khúc cũ. Vợ ông vốn là một ca sĩ phòng trà nổi tiếng trước năm 1975, nên mỗi khi hai vợ chồng đàn hát, tác giả không nguôi hồi tưởng những “Giọng ca dĩ vãng”. 

“Ở thời kỳ của tôi, nhạc sĩ nào khi đã có bài hát được phổ biến hoặc trở thành hiện tượng, đều được nhận thù lao hậu hĩnh. Tôi nhớ năm 1967, bài “Giọng ca dĩ vãng”, khi phát hành, tôi được 20 đồng tiền Đông Dương cho một bản in.

Thời đó, xăng có 7 đồng/1 lít. Còn tiền bản quyền từ thu âm băng, đĩa lên tới 6-7 cây vàng, đủ mua nhà lầu, xe hơi. Nhạc sĩ Vinh Sử ngày trước giàu lắm, có tới vài cái nhà.

Có điều, nhạc sĩ thường không toan tính. Có người có gia đình nhưng vẫn thích thuê riêng một chỗ khác để tiện sáng tác và tiếp đãi bạn bè. Thành ra họ không giữ mình được trước rượu, thuốc lá, phụ nữ. Tiền bạc kiếm được cũng vì thế mà tiêu tan.

Tôi sống cùng gia đình nên cuộc sống khá điều độ. Nhiều năm nay tôi không hút thuốc, uống rượu. Hơn nữa, tôi còn có thu nhập từ việc biểu diễn ảo thuật”, nhạc sĩ Bảo Thu chia sẻ.