Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ

Châu Mỹ Chủ nhật, ngày 10/04/2022 13:25 PM (GMT+7)
Từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ở tuổi thất thập, họa sĩ Lý Ngọc Thành sống nghèo khó nhờ gánh ve chai của vợ và những bữa cơm từ thiện, dù tranh của ông được trả giá tới vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Bình luận 0

Ngôi nhà không khác vựa ve chai của họa sĩ nổi tiếng một thời

Nằm tút hút cuối con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, có một ngôi nhà nhỏ chừng 17m, lắp ghép tạm bợ từ các tấm tôn, chất chồng vỏ chai nhựa và hàng ngàn vạn đồ ve chai khác lấp đầy lối đi. 

Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ - Ảnh 1.

Họa sĩ Lý Ngọc Thành bên bức tranh vẽ Bác Hồ.

Nếu không có tấm biển quảng cáo vẽ tay mang phong cách thời xa lắc, người qua đường không biết nơi đây là “xưởng vẽ” của một họa sĩ từng nổi tiếng một thời. Người duy nhất để ý tới tấm biển dẫn vào nhà lão họa sĩ - lại là những người đưa cơm từ thiện.

Bước qua đống ve chai ngổn ngang là phòng khách chật hẹp, trên tường bộn bề quần áo và bịch nylon. Thứ quý giá nhất trong căn phòng này là chiếc ti vi đời cổ, phải đập bùm bụp mới lên hình và những bức tranh phủ bụi được treo trên cao. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của gia đình 4 thành viên, bao gồm cả vợ chồng họa sĩ và hai đứa con, một trai, một gái - đều bị thiểu năng trí tuệ - hầu như diễn ra tại đây.

Ông Lý Ngọc Thành sinh năm 1941 trong một gia đình người Hoa có vai vế ở khu Chợ Lớn. Từng tốt nghiệp hạng ưu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng cảnh nhà sa sút khiến ông dạt qua tận khu Phú Nhuận sinh sống - khi con đường Trần Kế Xương còn là những đầm lầy trồng rau...

Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ - Ảnh 2.

Gia đình họa sĩ Thành

Thời trẻ, với vẻ điển trai, hào hoa và tài vẽ tranh, vẽ biển quảng cáo, ông cũng có nhiều mối tình nhưng không mối tình nào đi tới cái kết. Tận năm 41 tuổi, ông gặp bà Hương - người vợ hiện tại, kém ông tới hơn 20 tuổi, bà tình nguyện về làm vợ ông bằng một đám cưới giản dị, vui vẻ sống cảnh bần hàn.

Vài chục năm trước, thu nhập từ nghề vẽ biển quảng cáo và tiền bán tranh đủ giúp họa sĩ trang trải được cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng sinh hai con, cả hai đều thiểu năng trí tuệ. Đã ngoài 20 tuổi, hai người con cả ngày quanh quẩn ở nhà với cha mẹ. Người con trai lớn được địa phương hỗ trợ, vận động tham gia lớp học võ tự vệ mỗi ngày để giúp hòa nhập tốt hơn với xã hội.

Hơn chục năm trở lại đây, ông Thành ế khách mua tranh. Những bức tranh vẽ theo trường phái tả thực của ông trở lên lỗi thời giữa hàng ngàn, vạn phong cách nghệ thuật hiện đại. Ông lại thêm tính “gàn dở” – chỉ vẽ những gì mình thích, không vẽ theo đơn đặt hàng, nên nhiều năm liền, người vợ phải ra đường nhặt ve chai về bán để duy trì miếng ăn cho gia đình. 

Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ - Ảnh 3.

Đám cưới của vợ chồng họa sĩ.

Một lần bà bị ngã, gẫy răng không có tiền thay, sức khỏe sa sút, nên ngày đi làm được, ngày không... May mắn, có một tổ chức từ thiện, hỗ trợ cho gia đình ông mỗi ngày 4 hộp cơm. Vậy là cả gia đình 4 người và một bầy mèo sống lay lắt nhờ 4 hộp cơm từ thiện mỗi ngày cùng những thứ bà Hương nhặt nhạnh hoặc hàng xóm thương tình giúp đỡ.

Đời nghèo mà vui

“Nhiều người khuyên vợ chồng tôi bán căn nhà này đi, dành tiền ra ngoại thành mua căn nhà có vườn, ruộng rồi mần ăn sinh sống cho khỏe. Nhưng tôi cũng động viên chồng nhất định không bán, vì đây là nhà tổ tiên, ông bà cho con cháu. Hơn nữa ông nhà tôi sống cả thời thanh niên, tuổi trẻ ở nơi này nên không lỡ rời đi. Có nghèo đến mấy chúng tôi cũng không bán”, bà Hương, vợ ông Thành tâm sự.

Nghèo là vậy nhưng vợ chồng ông cưu mang tới hơn chục con mèo hoang trong nhà. Đám mèo là bạn bè duy nhất của cô con gái ngoài 20 tuổi, ngẩn ngơ và hồn nhiên như một đứa trẻ. Được địa phương hỗ trợ tham gia một lớp học thêu, cô gái cả ngày thêu thùa rồi làm bạn cùng lũ mèo. 

Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ - Ảnh 4.

Căn nhà nhỏ nơi sinh sống của vợ chồng họa sĩ.

Tối đến, cô ngủ một mình trên căn chòi ông Thành dựng tạm trên nóc nhà. Gọi là chòi cho sang, thực ra là một mái lá, bọc phên tứ bề nhưng đã thủng lỗ chỗ, sàn chòi chẳng có gì ngoài manh chiếu, lối cầu thang đi lên xây tạm bằng vài viên gạch mộc, rộng chừng 4 bàn chân người lớn, chênh vênh vì không có tay vịn.

Trên nóc bếp, vợ chồng họa sĩ già dựng một chòi tôn làm chỗ ngủ cho con trai. Còn lại, tầng trệt chưa đầy 20m2 với cơ man ve chai, bịch nylon và tranh là chỗ ngủ của vợ chồng ông và lũ mèo. 

Ông Thành chẳng những “nghèo” còn “khùng” - theo lời của hàng xóm. Bởi ai thích tranh ông, ông sẵn sàng cho không, biếu không. Ai chê bai, dù trả giá đắt, ông cũng không bán. 

Tuy nhiên, nhiều năm nay, vì mưu sinh cơm áo, ông đau đớn nhìn những “đứa con tinh thần” của mình ra đi với giá chỉ vài chục ngàn đồng.

“Thời đại bây giờ, rất ít người cảm được tranh cổ điển, tranh của tôi họ càng không hiểu. Giờ đây, người ta vẽ tranh khác lắm, họ vẽ như sao chép chứ không chăm chút về nghệ thuật. Đó chỉ là nghề vẽ, chứ không phải là họa sĩ”, ông Thành tâm sự.

Họa sĩ nghèo sống nhờ gánh ve chai của vợ - Ảnh 5.

Dù nghèo song hai vợ chồng ông Thành vẫn vui vẻ, lạc quan.

Vỡ mộng làm giàu từ tranh của ông chồng họa sĩ, bà Hương an phận với nghề lượm ve chai nuôi cả gia đình. Ngày trước, bà thường đi vào ban đêm, nhằm lúc xe thu gom rác chưa tới, bà lao vào bới trước, kiếm chai lọ, bịch bọc. Gom nửa tháng bán một lần được hơn trăm ngàn mua gạo dự trữ. 

Sau đói quá, bà đi cả ban ngày, bỏ qua luôn cái sĩ diện có chồng là họa sĩ. Người quen nhìn thấy hay gọi vào cho đồ ăn, cho quần áo cũ hai đứa con mặc. 

Nhưng bà cũng thuộc mẫu phụ nữ vô lo, vô nghĩ, chưa từng coi chồng con là gánh nặng đời mình. Khách đến chơi, thương cảm biếu ít tiền, bà đưa cả cho chồng, bảo: “Ông dành mà uống cà phê và mua đồ vẽ, tôi có tiền bán ve chai rồi. Cuộc sống cần khỏe mạnh và ngày đủ mấy bữa ăn chứ cần gì nhiều”.

Có lẽ, giữa Sài Gòn náo nhiệt này, gia đình họa sĩ Lý Ngọc Thành là gia đình duy nhất còn nấu bếp củi. Căn bếp cũ qua nhiều năm bồ hóng bám đầy mái, sàn bếp thì bừa bộn, ngổn ngang toàn đồ cũ, đồ bỏ đi và ve chai. Mùa mưa, nước tù đọng thành vũng, ruồi muỗi như ong vỡ tổ. Toàn bộ căn nhà chỉ có một bóng điện tròn, còn lại là đèn dầu. 

Tối đến, khi cả thành phố lên đèn, “chiếc chòi” của họa sĩ Lý Ngọc Thành nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng xung quanh, leo lét ánh sáng yếu ớt từ bóng đèn duy nhất trong nhà. Những phận người sống gần 30 năm trong ngôi nhà ấy, chẳng khác gì những ngọn “đèn không hắt bóng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem