Lúc 6 giờ 15 phút ngày 15/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 107 USD/thùng, tăng 2,7 USD, tương đương 2,59%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “neo” ở mức 111,7 USD/thùng.
Giảm vào đầu phiên giao dịch, sau đó, giá dầu ngày 14/4 đã tăng hơn 2% khi các nhà đầu tư mua các vị thế bán khống trước cuối tuần và khi tiếp nhận thông tin Liên minh châu Âu (EU) có thể ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tăng 2,92 USD, tương đương 2,68%, lên mức 111,70 USD/thùng. Giá dầu WTI đóng cửa ở mức 106,95 USD/thùng, tăng 2,70 USD, tương đương 2,59%.
Cả hai hợp đồng đều ghi nhận mức tăng hằng tuần đầu tiên trong tháng 4 sau khi giảm liên tục.
Thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, và các dự báo về cung – cầu hiện tại chưa đưa ra một giả định hay dự đoán nào quá chắc chắn, mà luôn dừng lại với nhận định các dự báo này phụ thuộc nhiều vào các thay đổi trên thị trường.
Theo các tin tức mới, các nhà giao dịch ở châu Âu có thể sẽ giảm lượng lớn dầu thu mua từ Nga trong tháng 5, do lo sợ các lệnh cấm vận mới. Tuy vậy, phía Nga cũng đã có một thời gian tương đối dài để chuẩn bị cho các kịch bản này.
Mới đây nhất, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố sẵn sàng bán dầu cho các quốc gia thân thiện với “bất kỳ mức giá nào”, thực chất là một tín hiệu cho biết Nga sẵn sàng tăng mức giá chiết khấu cho các khách hàng tiềm năng. Đây là một động thái tương tự như với trường hợp của Iran, nước này được cho là đã liên tục bán chiết khấu dầu cho Trung Quốc kể từ năm 2018, khi chịu cấm vận của Mỹ.
Với chi phí sản xuất dầu chỉ ở mức khoảng 40-45 USD/thùng theo ước tính của IHS Markit, với vùng giá 100 USD/thùng hiện tại Nga hoàn toàn có thể tăng mức chiết khấu thêm để kích thích bán hàng, đặc biệt với năng lực lưu trữ dầu tương đối hạn chế. Nếu bị buộc phải cắt giảm sản lượng, ngành dầu khí Nga sẽ mất nhiều năm để phục hồi, đặc biệt khi đã bị cấm tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Mỹ và châu Âu.
Thực tế, dầu thô chịu sức ép trong phiên sáng trước các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc. Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên 30.000, ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi dịch xuất hiện, gây ra sức ép lên nền kinh tế nước này, nhất là khi chiến dịch “Zero-Covid” vẫn đang được áp dụng.
Trong khi đó, số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 3 đều tiêu cực hơn kỳ vọng, đặc biệt khi nhiều cảng biển và thành phố phải đóng cửa trong tháng trước. Cụ thể, nhập khẩu giảm 0,1% lần đầu tiên sau gần 2 năm trong khi xuất khẩu tăng 14,7%, thấp hơn mức 16,3% trong 2 tháng đầu năm.
Theo một số nhà phân tích nhận định, thông lượng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc có thể sẽ giảm đến 6% trong tháng này, để tránh tồn kho tăng cao khi mà nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh.
Tuy vậy, dầu nhanh chóng lấy lại đà tăng khi châu Âu đang chuẩn bị dự thảo nhằm cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Đây là một biện pháp mà EU đã tránh thiết lập sau 5 vòng cấm vận, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/02. Tuy nhiên, khả năng lệnh cấm này được thiết lập cho toàn bộ 27 thành viên vẫn chưa quá chắc chắn, đặc biệt khi một số nước như Đức và Hungary phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Dù vậy, nhiều công ty thương mại đã cho biết họ sẽ dần cắt giảm các đơn hàng năng lượng từ Nga từ ngày 15/05, để tránh các rủi ro nếu lệnh cấm vận được thiết lập. Bên cạnh đó, việc Mỹ nhắm vào ngành tài chính của Nga đã khiến cho việc tìm kiếm nguồn vốn và mua bảo hiểm cho các hợp đồng từ Nga trở nên khó khăn đáng kể.
Cùng ngày, Nga cho biết họ sẽ hạn chế dần độ tiếp cận đối với ngành dầu khí của nước này, và đẩy mạnh thị trường sang khách hàng châu Á. Đây có thể là tín hiệu cho thấy nước này muốn tránh thông báo về tác động của các lệnh cấm vận đối với ngành công nghiệp chính.
Trong nước, trái với kỳ vọng của người tiêu dùng, cả giá dầu thô lẫn giá xăng dầu thành phẩm những ngày qua dù biến động tăng giảm theo thời điểm nhưng xu hướng chung là tăng trở lại sau những phiên liên tiếp hạ nhiệt.
Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra đang thấp hơn so với giá cơ sở, đây là tín hiệu cho thấy từ nay đến ngày 21/4, nếu xăng dầu thành phẩm vẫn tăng sẽ khiến giá bán lẻ trong nước có nguy cơ tăng giá.
Tổng cục Hải quan ngày 14/4 cho biết, trong tháng 3/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước là 1,31 triệu tấn với trị giá là 1,36 tỷ USD, tăng mạnh 75% về lượng và tăng mạnh 114,8% về trị giá so với tháng trước. Tính trong quý I/2022, cả nước nhập khẩu 2,66 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng mạnh 128,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I/2022, xăng dầu nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ: Hàn Quốc với 1,06 triệu tấn, tăng mạnh 107%; Malaysia với 562 nghìn tấn, giảm 29,8%; Singapore với 353 nghìn tấn, tăng 3,5%... so với quý I/2021.
Trên thị trường nội địa, từ ngày 12/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mỗi lít xăng giảm 830 - 840 đồng, còn dầu hoả, diesel hạ khoảng 700 - 740 đồng.
Giá xăng dầu hôm nay 15/4: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.479 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.313 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.024 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.