Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 3 xuất khẩu thủy sản đạt 1,02 tỷ USD, tăng gần 60% so với tháng trước đó. Đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng mạnh trở lại từ thị trường Trung Quốc đạt 123%. Các thị trường quan trọng khác cũng có mức tăng trưởng mạnh như: Nhật Bản tăng 82%, EU tăng 62%, Mỹ tăng 57%…
Tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 2,52 tỷ USD, tăng trên 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng cao, cụ thể: sang Mỹ đạt 574 triệu USD, tăng 71%, Nhật Bản đạt 347 triệu USD, tăng 13%, sang EU đạt 297 triệu USD, tăng 57%. Riêng thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 326 triệu USD tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 167 triệu USD.
Đối với ngành hàng cá tra, quý đầu năm nay đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
Với tôm, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 900 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ và chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
Ngoài tôm và cá tra, theo Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hải sản quý I đạt 878 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, cá ngừ đạt 234 triệu USD, tăng 55%; mực, bạch tuộc đạt 156 triệu USD, tăng 35%; nhuyễn thể và cua ghẹ lần lượt đạt 30 và 54 triệu USD, tăng lần lượt 23% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vasep cũng dự báo xuất khẩu cá tra trong quý II/2022 có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan với kim ngạch đạt khoảng trên 930 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy, quý I/2021, Top 10 doanh nghiệp thủy sản có mức tăng trưởng trung bình 57,4%. Các ông lớn trong ngành ghi nhận tăng trưởng ấn tượng như như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, CASE, FIMEX VN...
Từ vị trí thứ 3 năm ngoái, năm nay "nữ hoàng" cá tra Vĩnh Hoàn (VHC) đã vươn lên dẫn đầu toàn ngành với doanh thu đạt 102,3 triệu USD tăng tới 74,6% so với cùng kỳ.
Đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 là doanh nghiệp ngành tôm Stapimex ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng 67,6% đạt 96,2 triệu USD.
Tiếp theo là "vua tôm" Minh Phú (MPC) từ vị trí dẫn đầu năm 2021 tụt xuống vị trí thứ 3 doanh thu đạt 80 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ. Đổi lại, Minh Phú – Hậu Giang giữ vững vị trí số 4 với giá trị xuất khẩu đạt hơn 68,3 triệu USD, tăng 34,4%.
Các doanh nghiệp ở vị trí số 5 - 8 theo thứ tự CASES, Biendong Seafood, FIMEX VN và Navico đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu quý đầu tiên tăng trưởng tốt, lần lượt 58,6%; 63,5%; 35,7% và 58,7%.
Trong danh sách Top 10 năm nay xuất hiện cái tên Công ty TNHH MTV CB TP XK Vạn Đức Tiền Giang với doanh thu đạt 31,1 triệu USD tăng 79,3%, đứng ở vị trí số 9, trong khi năm ngoái công ty này đứng ở vị trí số 15.
I.D.I CORP cũng là cái tên đáng chú ý, từ vị trí số 20, doanh nghiệp này đã vươn lên đứng thứ 10 với doanh thu đạt 30,8 triệu USD, tăng tới 102,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, VN-Index giảm 23,44 điểm (-1,58%), xuống 1.458,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 35,4% so với tuần trước đó với 83.503 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 36,3% xuống 2.538 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngành thủy sản tuần qua đã đi ngược mặc thị trường chìm trong sắc đỏ, các cổ phiếu trong ngành này có thể kể đến như IDI, VHC, ACL, CMX...
Cụ thể, cổ phiếu IDI đóng cửa phiên ngày 15/4 ở mức 29.300 đồng/cổ phiếu, trong một tuần tăng 10,11%; cổ phiếu CXM chốt phiên cuối tuần qua giao dịch với giá 24.800 đồng/cổ phiếu, trong tuần tăng 11,21%; cổ phiếu VHC đóng cửa ở mức 104.600 đồng/cổ phiếu, trong một tuần thị giá tăng 16,48%.
Giá cổ phiếu ACL cũng "phi nước đại" và chốt phiên 16/4 đứng ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu, tăng 46,89% so với hồi đầu năm. Đây cũng là vùng giá cao kỷ lục mà đơn vị thiết lập được từ khi niêm yết (05/09/2007).