Cái xóm nhỏ nép sau lưng Chợ Mèo bỗng chộn rộn hẳn. Cậu út nhà ông thợ hồ chuẩn bị lên đường sang châu Âu thi Olympic Vật lý. Họ mừng cho hai vợ chồng nghèo nhất xóm ấy.
Cơ duyên đến với môn vật lý
Sáng Chủ nhật, trời ở cái xứ Phan Rang đã nắng gắt và nóng hầm hập. Ông Nguyễn Anh Tuấn, cha em Nguyễn Tấn Dũng, chỉ vội mời khách vào nhà rồi tất tả lấy bay, thước đi xây gò mả cho người ta.
Em Nguyễn Tấn Dũng đang là học sinh (HS) lớp 12 lý Trường chuyên Lê Quý Đôn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Với thành tích khủng: giải nhất vật lý cấp tỉnh, huy chương bạc Olympic Vật lý miền Nam, giải ba HS giỏi vật lý cấp quốc gia nhưng theo Dũng, em đến với môn vật lý như một cơ duyên.
Dũng mất căn bản với vật lý từ những năm đầu cấp 2. Thời điểm đó, em chỉ thích học môn toán. Nhưng vì là HS yếu vật lý của lớp nên em thường xuyên bị thầy cô kêu lên trả bài. Em quyết tâm khắc phục nên đã đi học thêm.
“Em may mắn học thêm ở một cô dạy vật lý rất hay nên từ đó mới thích học. Vật lý cũng giúp em giải thích được những hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày” - Dũng nói.
Chuẩn bị vào cấp 3, Dũng vẫn thích học toán và muốn thi vào chuyên toán. Tuy nhiên, các thầy cô đã khuyên và hướng Dũng thi vào chuyên lý của Trường chuyên Lê Quý Đôn.
“Em đến với môn vật lý như một cơ duyên. Em vẫn học tốt môn toán và dùng nó áp dụng cho môn vật lý” - Dũng nói và cho biết hằng ngày thường vào thư viện của trường để đọc sách và các báo chuyên về vật lý.
Sau khi đoạt giải ba HS giỏi vật lý cấp quốc gia, Nguyễn Tấn Dũng đã xuất sắc giành vé tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu EuPhO 2022 tại Slovenia vào ngày 20-5. Dũng là HS đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được chọn tham dự cuộc thi này.
Dũng kể em chỉ tham dự kỳ thi với tâm lý để học hỏi và đã vượt qua các bạn khác lọt vào top 5 thí sinh được chọn. Người đầu tiên em thông báo là mẹ.
EuPhO là cuộc thi dành cho HS THPT các nước châu Âu và một số quốc gia khác với tư cách khách mời, trong đó có Việt Nam. Mỗi nước tham gia cử năm HS dự hai phần thi: Phần thi lý thuyết (5 giờ) và thực hành (5 giờ). Kỳ thi dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 26-5, tại Slovenia.
Cậu học trò nghèo hằng ngày đem cơm đi học
Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Trung, mẹ em Dũng, đã đạp xe ra chợ để mua sắm một số vật dụng chuẩn bị cho con trai lên đường ra Hà Nội ôn luyện trước ngày sang châu Âu thi tài.
Vừa đi chợ về, bà Trung khoe mua được mấy cái đùi gà để bồi dưỡng cho con trai. Bà Trung cho biết gia đình thuộc diện khó khăn nhưng vợ chồng bà luôn cố gắng để lo cho hai con trai. Ông Tuấn đi làm thợ hồ phụ thuộc vào công việc và thời tiết.
Trước đây, bà dọn dẹp cho một trung tâm Anh ngữ với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 nên trung tâm phải đóng cửa. Bà xin vào phụ việc ở căn tin trường cấp 3 gần nhà. Ngoài ra, ba ngày/tuần bà chạy xe hơn 10 km để dọn dẹp cho một nhà thuốc.
“Anh của Dũng đang học cao đẳng, ngoài giờ cũng đi phụ quán cà phê để phụ mẹ tiền xăng đi học. Tôi nhiều hôm cũng đi phụ hồ để kiếm tiền lo cho các con” - người mẹ rưng rưng nước mắt kể.
Gia đình được ở trong căn nhà từ đường nên tạm khang trang. Vợ chồng bà sợ không lo nổi cho các con ăn học nên ai thuê gì cũng làm.
Bà kể Dũng rất hiếu thảo, luôn cố gắng học để lấy thành tích cho cha mẹ vui lòng. Nhà xa trường sợ tốn tiền xăng đi về, hằng ngày Dũng dậy sớm ăn cơm mẹ nấu rồi đem theo ăn trưa tại trường.
“Ngày nào Dũng cũng đem cà mèn cơm đi học như phụ hồ. Cháu đi học nhờ thầy cô giúp đỡ rất nhiều. Tôi luôn dặn cháu không được quên ơn” - bà Trung lau nước mắt nói.
Con trai đạt được thành tích, người mẹ rất vui nhưng cũng mất ngủ lo lắng. Bà lo con lần đầu ra nước ngoài lạ lẫm, rồi lại sợ không có tiền cho con làm lộ phí. Vừa chuẩn bị hành trang, bà vừa căn dặn con từng ly từng tí.
Học sinh đầu tiên của Ninh Thuận dự thi Olympic châu Âu
Nói về cậu học trò cưng, thầy Hồ Ngọc Cường, tổ trưởng tổ vật lý Trường chuyên Lê Quý Đôn, nhận xét Dũng là HS có nhiều phấn đấu, nỗ lực trong học tập và khả năng thực hành rất tốt. Dũng là thủ khoa môn vật lý khi thi vào trường. Sức học của Dũng cũng nổi trội hơn các bạn cùng lớp.
“Dũng là HS có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất nỗ lực phấn đấu nên chúng tôi đã quyết định bồi dưỡng cho em” - thầy Cường cho biết.
Thầy Cường nhận định nếu Dũng chịu đầu tư thêm và quyết tâm thì khả năng có giải ở kỳ thi này rất cao. Dũng có khả năng thực hành tốt và hiểu biết nhiều, đây là điểm mạnh khi tham dự các cuộc thi quốc tế.
Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết Nguyễn Tấn Dũng giành vé đi thi Olympic Vật lý châu Âu là niềm tự hào của trường. Trường đã tổ chức khen thưởng và chuẩn bị đưa Dũng ra Hà Nội để ôn luyện với Hội Vật lý.
Ông Trung cho biết Hội Vật lý chỉ lo về thủ tục để thí sinh đi thi, kinh phí ôn luyện và vé máy bay khoảng 135 triệu đồng sẽ do nhà trường vận động xã hội hóa. Nhà trường cũng vận động thêm tiền ăn ở cho HS.
“Nhà trường đã làm thư ngỏ gửi một số mạnh thường quân để vận động kinh phí cho Dũng đi thi. Tối nay tôi sẽ đưa Dũng ra Hà Nội ôn luyện” - ông Trung cho biết.
Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn cũng cho biết thêm đã có văn bản báo cáo gửi Sở GD&ĐT và UBND tỉnh Ninh Thuận.•
“Em sẽ chọn ngành lập trình để có tiền lo cho cha mẹ”
Chia sẻ về định hướng tương lai, Dũng cho biết lúc đầu mình định sẽ chọn học sư phạm vật lý nhưng sau đó em chọn sẽ học lập trình viên.
Dũng chia sẻ mình có đam mê với vật lý nhưng qua tìm hiểu nghề giáo viên và nghiên cứu sinh có thu nhập không cao. Em sợ không lo được cho cha mẹ khi về già.
“Em biết là đam mê nhưng em sợ không lo được cho gia đình, cha mẹ khi về già. Cha mẹ em lao động chân tay nên về già em phải lo cho cha mẹ” - Dũng tâm sự.
Dũng cho biết mình sẽ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và ôn luyện thật tốt để đạt thành tích trong kỳ thi sắp tới.
*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại