Dân Việt

Lý do Ukraine không thể nhận được những vũ khí muốn có từ phương Tây

Tuấn Anh (Theo Al Zaeera) 18/04/2022 10:20 GMT+7
Vũ khí mà Ukraine nhận được sẽ rất quan trọng đối với kết quả của cuộc chiến, nhưng liệu Ukraine có nhận được dòng vũ khí hạng nặng mà nước này cần hay chưa?
Lý do Ukraine không thể nhận được những vũ khí muốn có từ phương Tây - Ảnh 1.

Lính Ukraine khai hỏa vũ khí chống tăng NLAW trong cuộc tập trận Chiến dịch liên hợp ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 15/2/2022. Ảnh AP

Ukraine đã khiến thế giới ngạc nhiên khi mức độ phản kháng và làm chậm bước tiến của quân đội Nga. Vào thời điểm cuối tháng 2/2022, khi Tổng thống Nga Putin phát lệnh chiến dịch quân sự ở Ukraine, hầu hết thế giới đều bất ngờ, thậm chí ngay cả giới tình báo, chuyên gia cũng trở tay không kịp.

Những ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Nga được dự báo sẽ đạt được những bước tiến sâu rộng và nhanh chóng kiểm soát được nhiều vùng quan trọng ở Ukraine, thực tế cho đến nay, những gì Nga thể hiện cho thấy kết quả không như dự đoán.

Trong đó, phải kể đến sự phản kháng của Ukraine là yếu tố chính dẫn đến sự chậm tiến của quân đội Nga. Sự kháng cự của Ukraine năm 2022 đã khác xa với những gì xảy ra ở miền Đông Ukraine năm 2014 và kết quả là xe tăng Nga không chỉ bị chặn lại mà trong nhiều trường hợp còn bị phá hủy. Để có được lợi thế này, Ukraine đã dựa vào nguồn cung cấp vũ khí lớn mạnh từ châu Âu, đặc biệt là Mỹ.

Khi bắt đầu chiến tranh, Ukraine có quân đội lớn hơn một chút so với Pháp. Quân đội Ukraine dược huấn luyện bài bản, chủ yếu được trang bị vũ khí kế thừa của Liên Xô như xe tăng T-72 và T-80, khẩu đội tên lửa phòng không S-300 và hỗn hợp máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG. Tuy nhiên để giành được quyền kiểm soát không phận trước sức mạnh của không quân Nga, Ukraine đã bị tổn thất nặng nề về vũ khí là điều không tránh khỏi. Đó là lý do hàng ngày, Tổng thống Ukraine không ngừng kêu gọi phương Tây và Mỹ viện trợ vũ khí cho Kiev.

Ông Zelensky trên các diễn đàn quốc tế đều khẳng định rằng, Ukraine sẽ cần một loạt vũ khí hạng nặng nếu muốn tồn tại và giành ưu thế trong cuộc tấn công tiếp theo của Nga.

Với những thay đổi chiến thuật của lực lượng Nga ở Ukraine như đã chuyển phần lớn binh lính và thiết giáp đang đóng ở Belarus, phân bổ lực lượng để tập trung vào phía đông Ukraine, Donbas là mục tiêu chính và tập trung quân sự của Nga ở phía bắc gần Kharkiv, ở phía nam gần Mariupol và hiện đang tập trung lớn ở phía đông, Ukraine lại càng thúc giục NATO và Mỹ hỗ trợ họ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực quân sự.

Ukraine cần gì?

Nhu cầu về các hệ thống vũ khí hạng nặng của Ukraine là rất cấp thiết, ông Zelensky nhấn mạnh. Đứng đầu danh sách là máy bay chiến đấu, tuy nhiên thực tế đó là những loại vũ khí mà Liên minh châu Âu và Mỹ đang miễn cưỡng cung cấp.

EU và Mỹ đã tiếp cận các quốc gia ở Đông Âu vẫn đang vận hành các máy bay phản lực MiG và Sukhoi mà Ukraine đang rất cần. Các thỏa thuận đã thất bại vì cả các nước láng giềng của Nga và phương Tây đều không muốn xung đột Ukraine lan rộng và trở thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn. Các nước này không muốn NATO sa lầy vào cuộc chiến ở Ukraine để dẫn đến những nguy cơ khủng khiếp như sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các vũ khí được gửi cho đến nay mang tính chất phòng thủ. Slovakia đã cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Ukraine để ngăn chặn các cuộc không kích của Nga. Các máy bay phản lực của Nga hiện cần bay dưới tầm che chắn của radar vì mạng lưới phòng không của Ukraine đang hoạt động rất nhiều gây ra những tổn thất cho Nga trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Các máy bay chiến đấu của Nga bay ở tầm thấp đã trở thành mồi ngon dễ dàng cho các hệ thống phòng không vác vai như Skystreak và Stinger do Anh và Mỹ gửi tới cho Ukraine

Hệ thống Phòng không Di động bay còn gọi là Manpads đã có tác động rất lớn đến chiến tranh. Thiệt hại về máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga là đáng kể, đủ để làm giảm bớt các cuộc tấn công.

Các loại vũ khí vác vai khác như Javelin đã tàn phá các xe bọc thép của Nga. Lực lượng Ukraine nhanh nhẹn, cơ động hơn đã có thể tiến hành các cuộc tấn công vũ trang hạng nặng nhằm vào các mục tiêu của Nga. Nhưng kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. 1/3 kho Javelin của họ đã được gửi đến Ukraine và các nhà hoạch định quân sự của Mỹ cần phải giữ một kho dự trữ cho mục đích quốc phòng của riêng họ nếu xung đột nổ ra với một trong những đối thủ của Mỹ như Nga, Triều Tiên hoặc Trung Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trực tiếp kêu gọi các nhà sản xuất vũ khí Mỹ giúp tăng cường sản xuất vũ khí cầm tay để đáp ứng yêu cầu của quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, quyết định chuyển giao pháo hạng nặng 155mm của Mỹ là xuất phát từ điều kiện nước này chỉ tài trợ các thiết bị quân sự phòng thủ cho Ukraine. Nhưng Ukraine luôn cố gắng chứng minh rằng họ có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để đạt được hiệu quả lớn.

Mỹ không phải là nhà cung cấp vũ khí duy nhất nới lỏng chính sách chuyển giao vũ khí, ý tưởng của châu Âu về quốc phòng đã thay đổi đáng kể trong sáu tuần qua.

Có nhưng không đủ

Chính sách phòng thủ tập thể của EU đã "sống lại" trong cuộc xung đột ở Ukraine. EU hiện đang hoạt động giống như một khối hơn là một tập hợp các quốc gia liên kết lỏng lẻo. Khối này đã cung cấp hơn 1,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Để thể hiện rõ ràng tình đoàn kết, Chủ tịch của khối Ursula von der Leyen đã đến thăm Kiev, cam kết hỗ trợ của châu Âu và tuyên bố rằng Ukraine có "tương lai châu Âu" và tư cách thành viên của liên minh sẽ được nhanh chóng xem xét.

Đức đã đảo ngược ác cảm lâu nay đối với việc tăng cường sức mạnh quân sự bằng cách phân bổ một lượng viện trợ đáng kể cho Ukraine trong khi chỉ định thêm 112 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Đức là 50 tỷ đô la vào năm 2021. Nước này cũng cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng một vài năm.

EU vẫn đang cố gắng giữ mức viện trợ ngay dưới ngưỡng có thể có nguy cơ leo thang xung đột ngoài Ukraine. Công ty vũ khí khổng lồ Rheinmetall của Đức đang thử nghiệm điều này. Thực tế rằng đây là một đề nghị "riêng tư" từ một công ty, không phải một quốc gia, giữ cho khả năng đáp ứng từ Nga trong tầm kiểm soát, mặc dù Nga sẽ nhận thức sâu sắc rằng một thỏa thuận quy mô này sẽ không được phép tiếp tục nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Đức.

Ukraine bị tàn phá trong 7 tuần chiến tranh ác liệt và chuẩn bị cho một cuộc tấn công sẽ định hình kết quả của cuộc xung đột. Cả hai bên đều có nhiều thứ để mất và đang tìm cách phá vỡ sự bế tắc hiện nay.

Những vũ khí mà Ukraine nhận được sẽ rất quan trọng đối với kết quả đó nhưng lực lượng không quân của họ đã bị suy giảm và cạn kiệt. Đối với các trận chiến sắp tới có tính chất quyết định đối với Ukraine, Ukraine sẽ cần sức mạnh không quân và đó là điều mà phương Tây đã nhiều lần từ chối cung cấp do lo ngại một cuộc xung đột rộng lớn hơn kéo theo NATO vào cuộc.