Le Pen bị Cơ quan chống gian lận EU (OLAF) cáo buộc rằng từ năm 2004 đến năm 2017 bà đã chuyển trái phép gần 150.000 USD tiền của EU vào kho bạc của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp.
Cơ quan này cáo buộc số tiền bà và các thành viên khác trong đảng biển thủ từ quỹ EU lên tới gần 670.000 USD.
Bà Le Pen cũng bị điều tra vì "vi phạm tín nhiệm" và "lạm dụng công quỹ". Bà bị cáo buộc đã sử dụng tiền của EU để trả cho vệ sĩ riêng.
Văn phòng công tố Paris xác nhận họ đang nghiên cứu báo cáo này sau khi nhận được tài liệu.
Cha của bà Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng National Rally, và bạn trai cũ của bà, Louis Aliot, thị trưởng hiện tại của Perpignan, cũng bị liên đới. Tất cả đều phủ nhận các cáo buộc.
Theo luật sư của Le Pen, ông Rodolphe Bosselut, "bà Marine Le Pen đang bị mất tinh thần trước những cáo buộc". Ông cũng phản bác rằng những lời buộc tội là vô căn cứ và có động cơ chính trị.
"Bà Marine Le Pen phản đối điều này. Tuy nhiên, bà không có quyền truy cập vào những chi tiết của các cáo buộc. Đây là một sự thao túng rõ ràng, và thật không may là tôi không hề ngạc nhiên về điều đó", ông Bosselut nói thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Jordan Bardella cho biết: "Chúng tôi sẽ không bị đánh lừa bởi nỗ lực của Liên minh châu Âu và các tổ chức châu Âu nhằm can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống và gây ảnh hưởng đến bà Le Pen".
Bardella nhấn mạnh rằng ông đã đệ 2 đơn khiếu nại chống lại các cáo buộc trên và sẽ trình đơn thứ ba trong thời gian tới.
Theo Politico, lợi thế của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron so với bà Le Pen trong các cuộc thăm dò đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 3/2022 với 16 điểm. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, khoảng cách đã bắt đầu thu hẹp và vào ngày 16/4, lợi thế của ông Macron đã giảm một nửa xuống còn 8 điểm.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, ông Macron đã đánh bại bà Le Pen với cách biệt tương đối lớn, ông nhận được 66% phiếu bầu so với 33% của Le Pen.