Dân Việt

Vì sao đất nền "sốt nóng" nhà đầu tư vẫn mạnh tay "rót tiền"?

Thế Anh 18/04/2022 13:39 GMT+7
Trong báo cáo về tình hình xây dựng nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều ở trong xu hướng tăng.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản như đất nền, căn hộ, nhà ở trong tháng 3/2022 và quý I/2022 tại 8 địa phương.

Bộ Xây dựng nhận thấy giao dịch bất động sản tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy hoạt động trong tháng 3/2022 có giá giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều có xu hướng tăng.

Điển hình một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước. Tính riêng giá bất động sản cho thuê tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tăng so với tháng 02/2022.

Vì sao đất nền "sốt nóng" nhà đầu tư mạnh tay "rót tiền"?  - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tham khảo đất nền tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Anh

Bộ Xây dựng đánh giá riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.

Chỉ số giá bất động sản so với tháng 2/2022 cho thấy tại TP.Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. tại TP.Hồ Chí Minh, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.

Theo đánh giá của các chuyến gia bất động sản, giá đất nền, đất thổ cư, tại một số tỉnh miền Bắc đang tăng cao "chóng mặt" như tại tỉnh Bắc Giang giá đất nền tăng tới khoảng 35%, TP.Hải Phòng tăng giá 29% so với trung bình năm 2021.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các tỉnh khác cũng có giá đất nền tăng cao như tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16 và 20%.

Tính riêng thủ đô Hà Nội, giá rao bán đất nền tại huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Sơn Tây, Hoài Đức, tăng 74% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất khu vực miền Bắc, đồng thời cao nhất cả nước. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Quốc Oai tăng 26% so với năm 2021.

Vì sao đất nền "sốt nóng" nhà đầu tư mạnh tay "rót tiền"?  - Ảnh 2.

Giao dịch đất nền tại khu vực huyện Thạch Thất theo trục đường Láng Hoà Lạc đang tăng cao. Ảnh: CTV

Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất nền tại khu vực trục đường Láng Hoà Lạc đi sâu vào trong khu dân cư ngõ ô tô đi được đang có giá giao dịch từ 19 triệu đồng/m2 – 23 triệu đồng/m2.

Không chỉ có ở miền Bắc mà giá đất nền tại các tỉnh miền Trung cũng tăng cao như tỉnh Thanh Hóa tăng 35%. Tỉnh Khánh Hòa đang là khu vực "hót" thu hút nhiều nhà đầu tư "rót tiền" vào thị trường đất nên khiến cho giá tăng tới 26% và Bình Thuận tăng 13%.

Bên cạnh giá bán đất nền biến động mạnh, các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%.

Giá đất nền TP.Hồ Chí Minh sôi động ở các vùng ven. Mức độ quan tâm đất nền ở Củ Chi (TP.HCM) tăng 25%, Bình Chánh tăng 10%, tại tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận giá đất nền chỉ tăng 7%

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Thành Nam Land cho biết: "Sở dĩ giá đất nền "sốt nóng" tăng cao như thời gian vừa qua là do các địa phương công bố quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch chi tiết các vùng đô thị, khu dân cư khiến cho giá đất tăng cao".

"Thực tế, giá đất không chỉ tăng tại một vài địa phương mà đã tăng cao lan rộng ra khắp các địa phương. Giá đất này sẽ còn tăng cao nữa trong tương lai khi các dự án hạ tầng được triển khai", ông Thắng cho hay.

Ông Thắng cũng lưu ý với các nhà đầu tư khi giao dịch bất động sản cần phải xem xét kỹ tính pháp lý của dự án, không giao dịch bất động sản dưới dạng giấy viết tay để tránh rủi ro. Đặc biệt, là xem nguồn gốc đất ở đó có tranh chấp và có vướng quy hoạch hay không?