TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra.
Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải. Ở Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỉ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình, trong số đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.
"Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sỏi mật với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp, tắc mật cấp do trì hoãn đi khám bệnh. Trong khi đó, bệnh sỏi mật phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Vì vậy, nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, có dấu hiệu vàng da… thì cần phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu người dân chủ quan, để bệnh trong tình trạng nặng sẽ dẫn tới nhiều biến chứng như viêm hoại tử túi mật hoặc sỏi rơi vào đường mật gây biến chứng viêm tụy cấp, tắc mật cấp", TS Tuấn Anh khuyến cáo.
"Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao, 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý tụy và gan.
Tỷ lệ người dân ở nông thôn mắc bệnh sỏi đường mật còn nhiều do tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Trong khi đó, hiện nay, xu hướng gia tăng các bệnh lý sỏi túi mật ở người dân sống tại thành thị, giống như một số nước phát triển"
TS Đỗ Tuấn Anh
Theo TS Tuấn Anh, bệnh sỏi mật nếu được phát hiện sớm thì điều trị khá đơn giản và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật: Tình trạng tắc đường mật và nhiễm trùng do sỏi dẫn đến làm tăng áp lực trong đường mật, làm tổn thương hệ thống đường mật, qua đó dịch mật nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, trường hợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật.
– Viêm tụy cấp do sỏi: Là biến chứng rất thường gặp, bao gồm viêm tụy cấp thể phù và thể hoại tử. Viêm tụy thể hoại tử rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh nhân đau dữ dội, nôn nhiều và co cứng vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng trụy tim mạch trong trường hợp nặng.
– Chảy máu đường mật: Bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời nôn ra máu và ỉa phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng thấy có máu trong tá tràng nguồn gốc từ đường mật.
– Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật: Ở các nước nhiệt đới, viêm đường mật phổ biến trong các trong các bệnh lý đường mật. Trong viêm đường mật nguyên nhân là sỏi chiếm hàng đầu (từ 77,78 – 97,52%). Bệnh nhân đau nhiều ở vùng gan, tình trạng nhiễm trùng nặng nề: sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.
– Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Là biến chứng nặng, chiếm từ 16 – 24%. Đa số gặp ở người lớn tuổi, 75% ở những người trên 50 tuổi. Sốc nhiễm trung đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, hay gặp ở các bệnh nhân có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời.
Theo TS.BS Đỗ Tuấn Anh, ở mỗi người, biểu hiện của sỏi mật không giống nhau nhưng một số triệu chứng điển hình của sỏi mật phải kể đến là:
– Đau hạ sườn phải: Cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện.
– Sốt, ớn lạnh: Người bệnh sỏi mật có thể bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật. Người bệnh thường sốt cao trên 38 độ c kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống.
– Rối loạn tiêu hóa: Một số bệnh nhân sỏi mật gặp triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu… Những triệu chứng này dễ nhầm sang một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày nên nhiều người áp dụng cách điều trị không phù hợp.
– Vàng da: Tùy vào tiến triển của sỏi mật mà mức độ vàng da của người bệnh khác nhau. Triệu chứng này thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều. Tuy nhiên, khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.
Ngoài ra, TS.BS Đỗ Tuấn Anh cũng cho biết, người bị sỏi mật có thể gặp những biến chứng mạn tính của bệnh gan mật như:
– Xơ gan mật: Là bệnh trong đó đường mật trong gan dần bị phá hủy, sự phá hủy của đường mật có thể gây ra các chất độc hại tích tụ trong gan và đôi khi dẫn đến sẹo của mô gan (xơ gan). Nhiều chuyên gia cho rằng xơ gan đường mật là một bệnh tự miễn, trong đó cơ chế chống lại các tế bào của riêng mình. Xơ gan mật phát triển chậm, nếu điều trị nguyên nhân sớm có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh. Xơ gan mật gây biến chứng xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, ung thư đường mật trong gan.
– Ung thư đường mật: Nguyên nhân do viêm đường mật nhiều lần, kéo dài; triệu chứng lâm sàng hay gặp là gầy sút cân, vàng da có thể gặp nếu khối u gây chèn ép đường mật.
Một số trường hợp có sỏi túi mật, sỏi trong gan không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải như đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng. Theo thống kê thì chỉ có khoảng từ 10-20% bệnh nhân có bệnh sỏi mật từ lúc phát hiện ra bệnh tới lúc có triệu chứng là sau 5-20 năm. Còn khi triệu chứng của bệnh, tức là có biến chứng rồi mới đi viện là tình trạng khá phổ biến của những người dân bị mắc bệnh sỏi mật, TS Đỗ Tuấn Anh cho biết thêm.