Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ nào cần trì hoãn tiêm?

Diệu Linh Thứ hai, ngày 18/04/2022 06:07 AM (GMT+7)
Hiện cả nước đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ cần phải trì hoãn tiêm trong đợt này.
Bình luận 0

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu cho từng lứa tuổi.

Đầu tiên là học sinh lớp 6 (dưới 12 tuổi), sau đó đến học sinh nhỏ hơn…

Bộ Y tế ước tính cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, theo tổng kết sơ bộ có 3,6 triệu trẻ em đã mắc Covid-19 sẽ được trì hoãn tiêm trong đợt đầu tiên.

Trẻ nào cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19?

Ngoài ra, theo PGS Hồng, 1 số trẻ khác cũng cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19.

"Trẻ em đang mắc các bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển thì cha mẹ không nên vội vàng. Cần điều trị khỏi bệnh hoặc ổn định bệnh cho trẻ mới nên đi tiêm vaccine Covid-19. Những trẻ có các biểu hiện ho, sốt, hắt hơi sổ mũi nghi mắc Covid-19 cũng nên trì hoãn tiêm…

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ nào cần trì hoãn tiêm? - Ảnh 1.

Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vaccine Covid-19 (trẻ em lớp 6 được tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HDCD)

Ngoài ra, cần thận trọng khi tiêm với những trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào có trong vaccine; Trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi", PGS Hồng chia sẻ.

PGS Hồng khuyến cáo, cha mẹ khi chuẩn bị cho con đi tiêm cần theo dõi sức khỏe của con, đảm bảo con khỏe mạnh mới đưa đi tiêm. Nếu con không khỏe có thể trì hoãn tiêm và đưa con đi tiêm trong các đợt sau. Vì chiến dịch cũng sẽ tổ chức nhiều đợt tiêm và tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm.

TS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước khi thực hiện tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh nên theo dõi, phát hiện các dấu hiệu không bình thường của trẻ như: Sốt, các triệu chứng hô hấp (ho, thở nhanh...), đau đầu, nôn... để thông báo cho cán bộ y tế khi thăm khám, đánh giá cho trẻ em trước khi tiêm.

Nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì chưa nên cho con đi tiêm để tránh lây nhiễm.

Đối với những trẻ có các bệnh mãn tính thì cha mẹ nên khai báo y tế với cán bộ y tế để được khám sàng lọc và chuyển tiêm chủng ở các bệnh viện để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đặc biệt, sau khi tiêm mũi 1 hoặc xác định trẻ có phản ứng phản vệ với các thành phần vaccine Covid-19 thì sẽ chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại.

Trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng từ ngày phát bệnh.

"Cha mẹ cần nắm rõ tiền sử bệnh của con và khai báo chi tiết để quá trình khám sàng lọc và chỉ định tiêm được an toàn, tránh gây những tác dụng phụ đáng tiếc sau tiêm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ", PGS Hồng cho biết.

Phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 Moderna có thể gặp ở trẻ?

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có Quyết định phân bổ 921.600 liều vaccine Covid-19 Moderna để tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tới 63 tỉnh, thành phố. Số vaccine này do Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam.

Trong 3 ngày qua, cả nước đã có hơn 12.400 trẻ em học sinh lớp 6 (dưới 12 tuổi) được tiêm vaccine Covid-19 Moderna. 

Vaccine Moderna được phê duyệt tiêm cho trẻ từ 6 – dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ từ ngày 31/3. Cách tiêm: Tiêm bắp, liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Theo PGS Hồng, đối với vaccine Moderna, các phản ứng rất thường gặp sau tiêm là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ nào cần trì hoãn tiêm? - Ảnh 3.

Cha mẹ nên theo dõi con sau tiêm vaccine vào mộc 30 phút, 24 giờ, một tuần và 28 ngày sau tiêm (trẻ em lớp 6 được tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HDCD)

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;

Phản ứng thường gặp là : Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm; Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm;

Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da; Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Liên quan việc chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng chỉ rõ các mốc thời gian gia đình cần lưu ý là 30 phút, 24 giờ, một tuần và 28 ngày sau tiêm. 

"Với trẻ em sau tiêm 3 ngày và trở lại trường học, gia đình và thầy cô sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Cụ thể, trẻ cần tránh vận động mạnh trong thời gian này. Các hoạt động thể lực phải được điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm", bác sĩ Ngãi nhấn mạnh.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem