Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tăng hơn 1% vào phiên trước. Lúc 6 giờ 15 phút ngày 19/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 107,6 USD/thùng, giảm 0,62 USD, tương đương 0,57%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “chững” ở mức 113,2 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ hai (18/4), với dầu thô Brent vượt 114 USD/thùng, vì tình trạng dừng hoạt động ở Libya càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tiếp tục leo thang.
Với nguồn cung toàn cầu hiện nay quá thắt chặt, ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.
Nguồn cung dầu khô giảm mạnh hơn sau khi Interfax đưa tin cuối tuần trước rằng sản lượng của Nga đã giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với tháng 3, và các chính phủ của Liên minh châu Âu (EU), tuần trước, cho biết ban điều hành của khối đang soạn thảo các đề xuất cấm dầu thô của Nga.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong tháng 3, khi hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh, qua đó phủ bóng lên triển vọng kinh tế vốn đã xấu đi do các biện pháp phòng dịch Covid-19 và tình hình xung đột tại Ukraine.
Lượng dầu lọc của Trung Quốc đã giảm 2% trong tháng 3 so với tháng trước đó, với xuất lượng (throughput - số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà công ty có thể sản xuất và cung cấp cho khách hàng trong một khoảng thời gian xác định) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, khi giá dầu thô tăng mạnh đã siết chặt tỷ suất lợi nhuận của các công ty dầu và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm giảm hoạt động tiêu thụ nhiên liệu.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18/4 đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 từ mức 4,1% xuống còn 3,2%. WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do việc giảm triển vọng tăng trưởng của các khu vực châu Âu và Trung Á, bao gồm Nga và Ukraine. Kinh tế khu vực này hiện dự kiến sẽ giảm 4,1% năm 2022.
Theo Satoru Yoshida, chuyên gia phân tích hàng hóa của công ty chứng khoán Rakuten Securities (Nhật Bản), giá dầu hôm nay giảm còn do nhiều nhà đầu tư ở châu Á thực hiện các giao dịch chốt lời trước lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc giảm.
Ngoài ra, đồng USD duy trì đà phục hồi và treo ở mức cao cũng khiến giá dầu thô đi xuống.
Trong nước, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra vẫn đang thấp hơn so với giá cơ sở, đây là tín hiệu cho thấy từ nay đến ngày 21/4, nếu xăng dầu thành phẩm vẫn tăng sẽ khiến giá bán lẻ trong nước có nguy cơ tăng giá. Tuy nhiên, nhà điều hành sẽ còn cân nhắc việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/4 tới đây để điều hành giá xăng dầu sao cho sát với diễn biến của thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ở kỳ điều hành gần nhất, cơ quan quản lý đã thực hiện tăng trích lập Quỹ bình ổn giá ở mức "kỷ lục" khiến cho đà giảm của giá xăng dầu trong nước ngày 12/4 thấp hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, đối với các mặt hàng E5RON92 trích lập lên mức 650 đồng/lít và xăng RON95 trích lập lên mức 550 đồng/ít, dầu diesel trích lập lên mức 500 đồng/lít, dầu hỏa từ việc không trích lập đã tăng trích lập 350 đồng/lít.
Đồng thời, nhà điều hành cũng dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng, ngoại trừ dầu mazut là 481 đồng/kg.
Trên thị trường nội địa, từ ngày 12/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mỗi lít xăng giảm 830 - 840 đồng, còn dầu hoả, diesel hạ khoảng 700 - 740 đồng.
Giá xăng dầu hôm nay 19/4: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.479 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.313 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.024 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.