Ngày 23/4, tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT, tỉnh Bình Phước, Viện Chiến lược và phát triển GTVT về vấn đề liên quan đến dự án làm quốc lộ 13C xuyên rừng.
Tại buổi làm việc, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã đưa ra nhiều phương án làm đường kết nối Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó có phương án 1, tuyến qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai rất thuận tiện kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, phương án này có 31 km đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, ảnh hưởng đến môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa; các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Nếu xây dựng theo phương án này, UNESCO không đồng thuận, khu bảo tồn có thể bị thu hồi chứng nhận khu di tích sinh quyển thế giới.
Đặc biệt, nếu xây tuyến đường này phải xây dựng các công trình cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào, tường chống ồn… nên chi phí xây dựng lớn nhất trong các phương án.
Ngoài ra, do đi ngang khu sinh quyển thế giới nên thủ tục triển khai rất phức tạp. Hơn nữa, với phương án này, quy mô đường không thể mở quá lớn do ảnh hưởng đến khu sinh quyển.
Còn phương án 2, tuyến quốc lộ 13C sẽ đi qua vùng đệm, vào đường vành đai 4 sẽ kết nối từ Bình Phước đến quốc lộ 1A thuận tiện. Về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 37 km, tận dụng được 30 km đường ĐT 753 đã được đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến khu di tích sinh quyển, chi phí xây dựng thấp. Tuy nhiên, tuyến này chỉ đi qua Bình Dương, sau đó về Đồng Nai chứ không kết nối trực tiếp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước.
Phương án 3, đầu tư tuyến qua vùng đệm, kết nối vào quốc lộ 1 nhưng sẽ phải xây dựng mới 22 km, vẫn tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải. Tuy nhiên, đoạn đường kết nối với quốc lộ 1 hiện nay hai bên đường dân cư đông, hoạt động như đường đô thị nên khó mở rộng hoặc kinh phí mở rộng lớn.
Tuyến này ảnh hưởng đến môi trường thấp hơn, có thể đáp ứng được các yêu cầu về môi trường. Phương án 4, xây dựng tuyến qua vùng đệm quốc lộ 56B và kết nối quốc lộ 20 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu vận tải. Tuyến này vẫn tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và kết nối đến sân bay Long Thành, cảng Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cũng tại buổi làm việc, phía tỉnh Bình Phước vẫn mong muốn có 1 tuyến đường kết nối trực tiếp với Đồng Nai để đáp ứng được nhu cầu vận tải liên vùng. Tạo điều kiện phát triển địa phương, giúp kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai và các cảng lớn tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhưng về phía Đồng Nai lại cho rằng khu dự trữ sinh quyển thế giới có hai vùng lõi là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, hồ Trị An chia thành hai phân đoạn, từ ĐT 761 - Bà Hào và đến sân bay Rang Rang. Từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng, đưa người dân ra khỏi rừng để bảo tồn sinh quyển.
Vậy nên Đồng Nai không đồng ý việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường qua khu vùng lõi để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tỉnh Đồng Nai đồng thuận phương án 2 của viện nghiên cứu, tức tuyến qua vùng đệm, kết nối vào đường vành đai 4.