Dân Việt

Mỹ “choáng” khi không biết chính xác số vũ khí gửi cho Ukraine đi về đâu

Tuấn Anh (Theo RT) 20/04/2022 14:35 GMT+7
Các nguồn tin tình báo nói với CNN rằng, vũ khí Mỹ gửi đến Ukraine đang biến mất thành một "hố đen".
Mỹ choáng váng khi không biết chính xác điểm đến cuối cùng của số vũ khí gửi cho Kiev đi về đâu - Ảnh 1.

Mỹ viện trợ nhiều vũ khí sát thương cho Ukraine. Ảnh AP

Rất khó để Mỹ theo dõi chính xác đâu là điểm đến cuối cùng của số vũ khí được gửi cho Ukraine, CNN trích dẫn các nguồn tin của Lầu Năm Góc cho biết.

Theo CNN, Chính phủ Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng số lượng lô hàng trong những tháng gần đây, Mỹ có rất ít biện pháp để theo dõi các chuyến hàng quan trọng gồm vũ khí chống tăng, phòng không và các loại vũ khí khác mà họ gửi qua biên giới sang Ukraine.

Mặc dù vũ khí được vận chuyển tới Ukraine chiếm "nguồn cung cấp lớn nhất gần đây cho một quốc gia đối tác trong một cuộc xung đột", Nhà Trắng ngày càng lo ngại khoản viện trợ "có thể rơi vào tay các quân đội và dân quân khác mà Mỹ không có ý định trang bị", một quan chức quốc phòng cấp cao nói với CNN ngày 20/4.

CNN cũng trích dẫn nguồn tin cho biết: "Chúng tôi có sự chắc chắn trong một thời gian ngắn, nhưng khi vũ khí đi vào đám mây mù chiến tranh thì chúng tôi gần như không còn chắc chắn nữa ... Nó rơi vào một hố đen lớn, và sau một khoảng thời gian ngắn, anh hầu như không biết được vũ khí đi đâu".

Theo CNN, quân đội Mỹ không có mặt ở vùng chiến sự, do đó phụ thuộc vào thông tin do chính phủ Ukraine cung cấp. Đồng thời, các quan chức thừa nhận rằng Kiev chỉ quan tâm đến việc đưa ra những dữ liệu có lợi cho lập luận nhằm tăng thêm nguồn cung.

Gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine được chính quyền Mỹ thông qua tuần trước bao gồm pháo, xe bọc thép chở quân, trực thăng, đạn bay chờ và tàu không người lái.

Hai nguồn tin tình báo cho CNN biết thêm, các ước tính của phương Tây về thương vong của Ukraine và các chi tiết chiến trường khác cũng vẫn "mù mờ", có nghĩa là Mỹ và các đồng minh NATO thường buộc phải phụ thuộc vào thông tin từ chính phủ Kiev, mà họ cho rằng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

Kể từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, Washington đã cung cấp hơn 2,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev và nhiều tỷ USD hỗ trợ nhân đạo, trong khi Tổng thống Joe Biden đã gửi tổng cộng 3,2 tỷ USD kể từ khi nhậm chức vào năm 2020. Hơn 100.000 binh sĩ Mỹ cũng đã được tái triển khai để củng cố "sườn phía đông" của NATO, trong khi các thành viên riêng lẻ của khối quân sự cũng đã tự cung cấp hàng tỷ USD viện trợ.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu  cho biết, Washington và các nước phương Tây dưới quyền kiểm soát của họ đang làm mọi cách để kéo dài chiến dịch đặc biệt và có ý định chiến đấu "đến người Ukraine cuối cùng".