Đức ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine
"Trong khi các đối tác khác cung cấp pháo, chúng tôi sẽ giúp đào tạo và bảo trì", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 20/4.
Bà Baerbock cho biết, lý do Đức ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine là vì các cơ quan vũ trang của Đức cho biết họ "không còn có thể cung cấp vũ khí (cho Ukraine từ nguồn dự trữ của mình". Hay nói cách khác, nguồn dự trữ vũ khí của Đức hiện đã cạn và không thể cung cấp cho Ukraine được nữa.
Interfax cho biết, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp các phụ tùng thay thế.
Giới lãnh đạo Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích liên tục trong và ngoài nước vì sự chần chừ trong việc hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là khi nước này chỉ quyết định cung cấp 5.000 mũ bảo hiểm cho quân đội Ukraine trước khi Nga phát động cuộc chiến vào ngày 24/2.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 20/4 đã cố gắng chống lại những chỉ trích liên quan đến quyết định của Berlin trong việc không cung cấp thiết bị tối tân hơn hơn cho Kiev khi Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn khác của Nga vào các khu vực phía đông của họ.
"Ukraine sẽ tiếp tục nhận được sự đoàn kết và hỗ trợ đầy đủ của chúng tôi. Đồng thời, với tư cách là các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ, chúng tôi cũng có nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh lan sang các nước khác. Do đó NATO không muốn và không thể can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến", ông Scholz nói trong một cuộc họp báo.
Ông Scholz cho biết Đức sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ phòng thủ cho Ukraine nếu có thể nhưng cũng nhấn mạnh rằng, hiện kho dự trữ thiết bị của Đức đã cạn kiệt.
Thủ tướng Đức đã tham gia vào các cuộc đàm phán với các đồng minh hàng đầu như Mỹ, các quan chức từ EU và NATO, cùng với Pháp, Anh và Canada hôm thứ Ba 19/4 để thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Quyết định "dứt tình" với Nga vào cuối năm
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Đức sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay sau cuộc họp với những người đồng cấp Baltic hôm thứ Tư 20/4.
“Tôi nói rõ ràng và dứt khoát ở đây là đúng, Đức đang loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga. Chúng tôi sẽ giảm một nửa dầu nhập từ Nga vào mùa hè và sẽ ở mức "0" vào cuối năm nay", bà Baerbock nhấn mạnh.
Năm ngoái, Nga đã cung cấp hơn 1 nửa lượng khí đốt tự nhiên và khoảng 1/3 lượng dầu mà Đức sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình, nhà máy điện và nhiên liệu cho ô tô, xe buýt và xe tải.
Ngoài ra, gần 1 nửa lượng than nhập khẩu của Đức – là nhiên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất thép của nước này, cũng đến từ Nga.
Đức đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung dầu, khi giảm tỷ trọng dầu của Nga từ 35% xuống 25% trong 3 tháng đầu năm nay. Bắt đầu từ giữa tháng 4, nhà máy lọc dầu Leuna ở đông Đức sẽ chỉ chế biến lượng dầu của Nga bằng 1 nửa so với những năm trước. Thay vào đó, dầu thô từ các nước khác được vận chuyển bằng xe tải và đường sắt từ miền tây nước này.
Tuy nhiên, các liên đoàn lao động lớn của Đức sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất hóa chất, khai thác mỏ và dược phẩm đã cảnh báo rằng, việc giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, thậm chí cắt hẳn, chắc chắn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều công ty phải đóng cửa và rất nhiều người sẽ mất việc.
Các nhà sản xuất socola, đồ ăn nhẹ và đồ ngọt của Đức cũng cảnh báo rằng tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến khả năng sản xuất của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Khí đốt là nguồn năng lượng quan trọng trong hầu hết cả ngành sản xuất bánh kẹo của Đức. Các công ty trong ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho người Đức, đặc biệt là trong thời điểm thiếu lương thực các trường hợp khẩn cấp khác", Hiệp hội Sản xuất bánh kẹo Đức (BDSI) cho biết.