Trên thị trường quốc tế, giá dầu WTI giảm 0,34% xuống 103,39 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 22/4. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 1,86% lên 108,79 USD/thùng.
Sản lượng tháng 3 của OPEC+ đã thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu, khi sản lượng của Nga bắt đầu giảm xuống sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sản lượng tháng 3 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đã thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu, khi sản lượng của Nga bắt đầu giảm xuống.
Báo cáo cho thấy, Nga đã sản xuất khoảng 300.000 thùng/ngày - thấp hơn mức mục tiêu tháng 3 là hơn 10 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, ông Edward Moya - Nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng, giá dầu sẽ nhanh chóng trở lại đà tăng bởi nguồn cung eo hẹp và việc nhu cầu sụt giảm vì kinh tế giảm tốc tăng trưởng cũng còn lâu mới diễn ra.
Do đó, theo ông Edward Moya, dầu thô WTI vẫn sẽ được giao dịch trên ngưỡng 100 USD/thùng vì tình trạng thâm hụt nguồn cung toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn dầu quốc gia Libya vừa qua đã tuyên bố trường hợp bất khả kháng tại cảng dầu Brega, cho biết công ty này không thể thúc hiện các cam kết của mình đối với thị trường dầu.
Ngoài ra, số liệu của Viện xăng dầu Mỹ cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán gia tăng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trung Quốc- nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới từ từ nới lỏng các quy định hạn chế do Covid-19.
Trong nước, mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT (về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm) cho phù hợp tình hình. Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242/QĐ-BCT.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.
Trên cơ sở đó, Bộ này sẽ có phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV/2022 và sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Từ 15 giờ hôm qua (21/4), giá xăng trong nước đã tăng mạnh trở lại, với mức từ 663 - 675 đồng/lít, tuỳ loại.
Giá xăng dầu hôm nay 22/4: Xăng E5RON92 không cao hơn 27.134 đồng/lít (tăng 663 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 858 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 27.992 đồng/lít (tăng 675 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.359 đồng/lít (tăng 979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 23.828 đồng/lít (tăng 801 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 21.800 đồng/kg (tăng 871 so với giá bán lẻ hiện hành).
Cách đây gần 10 ngày, giá của hầu hết các mặt hàng xăng đã giảm. Khi đó xăng E5RON92 giảm 838 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 836 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S giảm 700 đồng/lít; dầu hỏa giảm 737 đồng/lít. Chỉ có dầu mazút 180CST 3.5S là ổn định so với giá bán lẻ tại kỳ điều hành trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 3 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng vọt 87,6% về lượng và 259,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến hết quý I, nhập khẩu xăng dầu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,4 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng tới 129% về trị giá so với cùng kỳ. Đây cũng là khối lượng nhập khẩu trong quý I cao nhất 4 năm qua trong khi kim ngạch cao nhất trong 11 năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.
So với quý I năm ngoái, giá nhập khẩu mặt hàng xăng đã tăng 85,8% lên mức bình quân 1.098 USD/tấn; giá dầu diesel tăng 75,1%, đạt trung bình 886 USD/tấn.
Tương tự, giá nhập khẩu nhiên liệu bay tăng 82% lên mức 943 USD/tấn; dầu mazut tăng 68% lên mức 228 USD/tấn.
Về mặt hàng nhập khẩu, dầu diesel chiếm gần 60% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý I với 1,6 triệu tấn, tăng 28,9%. Ngoài ra, khối lượng nhập khẩu xăng và nhiên liệu bay cũng tăng mạnh 40% và 108,6% so với cùng kỳ.
Thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam trong quý I vẫn chủ yếu là các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với hơn 1 triệu tấn, tăng 108,6% và chiếm 40% tổng khối lượng cung cấp.
Ngoài ra, xăng dầu còn được nhập khẩu từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.