Dân Việt

Chiến sự Nga-Ukraine: Soái hạm Moskva chìm mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh hải quân?

Minh Nhật (theo Insider) 23/04/2022 06:45 GMT+7
Ukraine tuyên bố đã đánh chìm soái hạm Moskva - niềm tự hào của Hạm đội Biển Đen Nga nhưng Moscow bác bỏ. Tuy nhiên, nếu tuyên bố của Ukraine được chứng thực, vụ chìm soái hạm Moskva sẽ mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh hải quân, Business Insider dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Chiến sự Nga-Ukraine: Soái hạm Moskva chìm mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh hải quân? - Ảnh 1.

Soái hạm Moskva của Nga. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga.

Vào ngày 15/4, Nga thừa nhận tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của nước này ở Biển Đen, đã bị chìm trong khi được kéo về cảng và tàu bị tê liệt do các vụ nổ, hỏa hoạn xảy ra sau đó.

Ukraine tuyên bố họ đã bắn trúng con tàu bằng 2 tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune. Nga bác bỏ tuyên bố trên.

Bất chấp sự phủ nhận của Nga, vụ chìm soái hạm Moskva có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine mà còn đối với cách thức hoạt động của các lực lượng hải quân toàn cầu và những rủi ro mà họ phải đối mặt.

Đã 40 năm kể từ khi một con tàu có kích thước tương đương với tàu Moskva dài 611 mét bị chìm, mà có thể là bị tấn công bởi một thế lực thù địch.

Năm 1982, tàu tuần dương hạng nhẹ ARA General Belgrano của Argentina bị trúng ngư lôi bởi tàu ngầm Conqueror của Hải quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh Falklands kéo dài 10 ngày.

Sai lầm về thiết kế?

Jerry Hendrix, một thành viên cấp cao của Viện Sagamore và là một thuyền trưởng Hải quân đã nghỉ hưu, cho biết cách Moskva hoạt động như thế nào chứa đựng những bài học về thiết kế của tàu cũng như cách thức hoạt động của hạm đội.

Moskva đã bị tê liệt do đám cháy trên boong tàu gây ra nhiều thiệt hại hơn khi nó chạm tới các ống phóng tên lửa trên boong của soái hạm Moscow. Thiết kế tàu tuần dương lớp Slava tích hợp 16 bệ phóng cho tên lửa hành trình siêu thanh P-500 Bazalt được bố trí ở mỗi bên của cấu trúc thượng tầng trên con tàu. Những tên lửa không được bảo vệ đó có thể được sử dụng nhanh chóng trong những trường hợp khẩn cấp.

Theo ông Hendrix, do các ống phóng ở phía trên boong, điều đó khiến chúng cực kỳ dễ bị hư hại và dễ bị tổn thương, từ đó dễ gây ra thiệt hại cho chính con tàu.

“Do cách thiết kế này, nếu con tàu không bắn hết các tên lửa của nó trước khi tàu hoặc tên lửa bị bắn trúng… thì chính số tên lửa đó sẽ có thể tiêu diệt con tàu", ông Hendrix nhấn mạnh.

Theo ông Hendrix, hiện các tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ đều đặt các ống phóng tên lửa bên dưới boong tàu, giúp phi hành đoàn không phải lo sợ khả năng tên lửa phát nổ trong trường hợp hỏa hoạn. Thiết kế này cũng giúp tên lửa được an toàn và ngăn chặn một phản ứng dây chuyền tai hại, ông Hendrix giải thích.

Tuy nhiên, ông Hendrix nhấn mạnh, Mỹ nên lưu ý đến sự cố trên tàu Moskva và rút ra bài học để tìm cách chuyển vũ khí được trang bị bên ngoài các tàu chiến vào bên trong.

Ví dụ, tên lửa Harpoon do Boeing sản xuất có thể được đặt trong các bệ phóng trên boong tàu. Tên lửa Harpoon đã được triển khai theo cấu hình đó trên tàu tác chiến ven biển và trên một số tàu nổi cũ hơn.

Hoạt động gần bờ biển thù địch

Được đặt tên theo thành phố thủ đô của Nga, Moskva là con tàu quá lớn đối với sứ mệnh mà nó được giao ở Biển Đen, ông Hendrix bình luận.

Theo chuyên gia này, vụ chìm tàu Moskva nhấn mạnh giá trị của những con tàu nhỏ hơn và các nhiệm vụ theo đúng quy mô chứ không phải những màn phô trương lực lượng táo bạo nhưng nguy hiểm.

"Một trong những điều mà chúng tôi thường cảnh báo là đừng bao giờ cử một tàu tuần dương làm những gì mà khinh hạm phải làm. Đây là nhiệm vụ dành cho khinh hạm (một loại khu trục hạm cỡ nhỏ), Biển Đen là một vùng biển hạn chế. Vậy tại sao Moskva lại được triển khai tới Biển Đen vào thời điểm này? Đó là vì muốn phô trương lực lượng. Và do người Nga đã mạo hiểm, họ đánh mất danh tiếng của mình vì sự cố này", ông Hendrix nói.

Mất tàu Moskva là thất bại chiến lược của Nga?

Đối với Nga, theo ông Hendrix, vụ chìm tàu Moskva là thất bại mới nhất trong một loạt thất bại chiến lược của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Các quan chức Ukraine cho biết 7 tướng Nga đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, mặc dù không phải tất cả các trường hợp tử vong trên đều được Moscow xác nhận.

Sau một cuộc tấn công kéo dài vào Kiev nhưng không thể giành được quyền kiểm soát thủ đô Ukraine, quân đội Nga đã phải rút lực lượng khỏi thành phố vào đầu tháng này.

"Tàu lớp Slava là một tài sản rất lớn của Hải quân Nga. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có áp lực gia tăng trong quân đội Nga để đánh giá lại cuộc chiến này và cách nó được thực hiện", ông Hendrix bình luận.