Clip: Tây Ninh đẩy nhanh nhân giống kháng bệnh khảm lá sắn trong nhà màng. Thực hiện: Nguyên Vỹ
Tỉnh Tây Ninh có hơn 55.000 ha sắn (khoai mì). Trong đó, khoảng 46.000ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn, chiếm hơn 80% diện tích.
Từ năm 2018, Sở NNPTNT Tây Ninh phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNT) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) nghiên cứu, thử nghiệm các giống mì sạch bệnh, có tính kháng bệnh khảm lá.
Kết quả, đến cuối năm 2021, đã có 2 giống có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn hoàn toàn là HN3, HN5, và một số giống có triển vọng khác.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đang xây dựng dự án nhân giống mì HN3, HN5 trên đồng ruộng, được khoảng 60ha.
Tuy nhiên, diện tích này chỉ đáp ứng được khoảng 1% so với nhu cầu thực tế của nông dân trong tỉnh.
Ông Bùi Công Ngọc trồng mì ở xã Tân Hiệp (huyện Tân Châu) cho biết, cây sắn bị bệnh khảm lá khiến chi phí chăm sóc tăng cao. Năng suất, chữ bột cũng bị ảnh hưởng nên lợi nhuận của nông dân không cao.
Ông Ngọc được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai) chọn làm đối tác chuyển giao trồng và nhân 2 giống mì HN3, HN5.
Đặc điểm nhận diện các giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn HN3, HN5. Ảnh: Nguyên Vỹ
Qua khảo nghiệm thực tế trên đồng ruộng, cả 2 giống mới đều không xuất hiện bệnh khảm lá.
So với những giống sắn cũ như HL11, KM140 và KM419, giống sắn này không những kháng được bệnh khảm lá sắn mà tốc độ sinh trưởng còn nhanh hơn.
Các giống kháng bệnh khảm lá sắn có chữ bột đạt từ 28-30%; năng suất khoảng 40 tấn/ha, cao hơn so với giống cũ.
"Tuy nhiên, nhu cầu giống sắn kháng bệnh khảm lá hiện nay rất lớn. Nông dân mong ngành chức năng triển khai nhân giống nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của bà con", ông Ngọc nói.
Được Bộ NNPTNT cho phép phổ biến, từ đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nhân giống kháng bệnh khảm lá sắn trong nhà màng.
Mô hình đang được triển khai ở 4 nhà màng. Mỗi nhà khoảng 40m2 có thể trồng từ 40-50 cây giống.
Sau 6 tuần, cây giống mới sẽ được cắt đợt 1, chuyển sang giá thể để ươm thêm khoảng 1 tháng thì mang ra trồng trên đồng ruộng.
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, ưu điểm của phương pháp ươm giống này là thời gian nhân giống nhanh, dễ áp dụng với những giống mì được công nhận sau khảo nghiệm và có ít cây giống.
Ước tính, trong 1 năm, mỗi nhà màng có thể cho ra một lượng cây mì giống đủ trồng cho 1 ha ngoài đồng ruộng.
"Bên cạnh đó, việc trồng trong nhà màng sẽ bảo đảm nguồn giống sạch bệnh ngay từ ban đầu", ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, nếu nhân giống theo cách truyền thống, mỗi năm, 1ha chỉ có thể nhân ra được 10-15ha. Như thế là quá chậm so với nhu cầu.
Sở NNPTNT Tây Ninh đang phối hợp triển khai các phương pháp nhân giống nhanh hơn, đó là nhân giống trong nhà màng. Từ 1ha có thể nhân giống ra hàng trăm ha trong 1 năm.
"2 biện pháp nhân giống trong nhà màng và nhân giống ngoài đồng ruộng sẽ được tiến hành song song. Hy vọng trong vòng 3 năm tới, chúng ta có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân", ông Xuân chia sẻ.