Hôm nay (23/4), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tại TP.HCM.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được công bố, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước.
Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng tăng tương ứng 25% lên mức 230.112 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%. Riêng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, OCB cho biết sẽ còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng cho biết, năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng quy mô khách hàng, tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc ưu tiên của OCB, tiếp tục lộ trình chuyển đổi số toàn diện OCB, nâng cấp ứng dụng OCB OMNI, số hóa hành trình khách hàng, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ...
Đồng thời, ngân hàng sẽ triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác tại đại hội lần này của OCB là phương án tăng vốn điều lệ lên gần 18.000 tỷ đồng.
Theo đó, trong phương án trình đến cổ đông, OCB cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 0,88 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược Ngân hàng Aozora (Nhật Bản).
Phương án này ngân hàng đang thực hiện, đã nộp hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước và đang chờ chấp thuận.
Đồng thời, OCB dự kiến phát hành hơn 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% sau khi các phương án trên hoàn tất. Như vậy, vốn điều lệ sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm 4.186 tỷ đồng, lên mốc gần 17.885 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ tăng vốn sẽ được OCB sử dụng để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, trang bị tài sản cố định, công cụ lao động và bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay. Trong đó, riêng nguồn vốn bổ sung cho kinh doanh, đầu tư và cho vay chiếm tới hơn 3.277 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ROE, ROA tương ứng ở mức 2,59% và 22%. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 1,42% năm 2020 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2021.
Tính trong cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của OCB tăng 14,7% mang về hơn 6.500 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 14,1%, đặc biệt lãi thuần từ mảng mua bán chứng khoán kinh doanh tăng hơn 55%, từ hoạt động khác tăng 90% so với năm trước.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu OCB đứng tại mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2021 khi mức giá của mã chứng khoán này đạt tới vùng 28.000 đồng/CP.