Hôm nay (23/4), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tại TP.HCM.
Tại đại hội, vấn đề nhiều cổ đông quan tâm là các khoản vay liên quan đến Tập đoàn FLC và Tập đoàn Đại Nam khi cả ông Trịnh Văn Quyết lẫn bà Nguyễn Phương Hằng đều đang bị tạm giam.
Trả lời về các khoản vay với FLC, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB cho biết, FLC là tập đoàn có nhiều dự án triển khai ấn tượng ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Thanh Hóa. Và mục tiêu của OCB là phát triển mảng bán lẻ nên thời gian qua đã hợp tác với FLC để cho tập đoàn này vay hai dự án ở Quảng Ninh.
"Thời gian qua OCB cũng cho vay một số doanh nghiệp BĐS như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land, chứ không riêng gì FLC", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, với khoản vay của FLC, OCB cho tập đoàn này vay 1.500 tỷ đồng. Khi cho vay, OCB dựa vào dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, và điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải giải phóng mặt bằng xong thì ngân hàng mới cho vay.
"Với khoản vay trên, OCB có tài sản đảm bảo bằng bất động sản có giá trị trên 2.000 tỷ, đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Tài sản đảm bảo được OCB kiểm tra, thẩm định rất chặt chẽ", ông Tùng khẳng định.
Chưa kể, FLC đang có nguồn thu từ khách hàng trả theo tiến độ dự án còn 2.400 tỷ đồng, dư sức để ngân hàng thu hồi các khoản nợ.
"Quý 1/2022, tổng tài sản tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trích lập dự phòng thì lợi nhuận còn lại khoảng 835 tỷ đồng.
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong cả năm 2022 sẽ là thách thức, tuy nhiên OCB sẽ phấn đấu đạt được khi đáp ứng đầy đủ các quy định của NHNN để được cấp room tín dụng ưu tiên… ".
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB.
Cũng theo Tổng Giám đốc OCB, trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết vi phạm pháp luật thì đây là khách hàng luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn, là khách hàng tốt.
Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho vay Bamboo Airways, dư nợ khoảng 1.000 tỷ đồng và tài sản đảm bảo cũng là bất động sản, cổ phiếu. Tuy nhiên, khoản vay này được OCB đánh giá cao về nguồn tiền trả nợ cũng như khả năng thanh toán nợ của khách hàng.
"Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương thảo thu trước khoảng 1.500 tỷ đồng với các khoản vay liên quan đến FLC", ông Tùng chia sẻ thêm. Ông cũng nhấn mạnh, sự kiện FLC là nghiêm trọng với danh mục quản trị rủi ro của OCB nhưng ngân hàng làm đúng ngay từ đầu nên xác định không có thiệt hại.
"Hiện nay vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sự việc của ông Trịnh Văn Quyết là vấn đề cá nhân, tập đoàn vẫn phát triển bình thường", ông Tùng nói.
Về khoản cho vay đối với Tập đoàn Đại Nam, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng, các khoản nợ của Đại Nam không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ.
"Nói thật, 30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng" - ông Tùng chia sẻ với cổ đông.
Theo ông Tùng, mới đây Đại Nam đã trả cho OCB 450 tỷ đồng, trong 2 tháng tới Đại Nam sẽ thu hồi 4.500 tỷ đồng từ các khoản bán tài sản nên sẽ thừa sức trả cho OCB và cả các ngân hàng khác nữa.
Với sự đồng thuận cao của các cổ đông, đại hội đã thông qua tất cả tờ trình...