Bộ phim "Anh có phải đàn ông không" phát sóng khung giờ vàng trên VTV3 đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn lan tỏa. Trong số các tuyến nhân vật của phim, vai Dũng (Kiều Minh Hiếu) – chồng của Mai Ngọc (Đan Lê) là một vai được khán giả nhắc đến khá nhiều. Nhiều người tỏ ra kinh hãi vì sự vũ phu và trơ trẽn của nhân vật này.
Không chỉ bạo hành thể xác lẫn tinh thần Mai Ngọc trong thời gian dài, Dũng còn ra ngoài bồ bịch trăng hoa nhưng trước mặt người khác lại luôn đóng vai "nạn nhân", bêu xấu vợ ngoại tình thậm chí dàn cảnh để có bằng chứng nhằm ép Mai Ngọc không dám ly hôn với mình.
Sau mỗi tập phát sóng, nhân vật Dũng nhận được vô số lời chỉ trích từ phía khán giả. Nhiều người đã giận "sôi máu" khi chứng kiến những hành vi bỉ ổi của gã đàn ông máu lạnh, tráo trở, nham hiểm và ác độc trên phim. Vì lẽ đó, nhân vật Dũng cũng được xem là nhân vật đã khiến khán giả truyền hình căm phẫn nhất khi xem "Anh có phải là đàn ông không".
Vai diễn này cũng khác hoàn toàn so với các vai trên sân khấu mà NSƯT Kiều Minh Hiếu đảm nhận trước đây. Đó là những vai chỉn chu, ngay ngắn và mực thước. Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Kiều Minh Hiếu về vai diễn này và cả vở diễn "Nhân thế" mà anh đóng vai trò đạo diễn vừa mới ra mắt.
Đánh dấu sự trở lại của mình trên màn ảnh truyền hình với vai Dũng trong phim "Anh có phải là đàn ông không". Hình như từ khi lên làm lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam, anh không hứng thú với phim ảnh nữa thì phải?
Không phải đâu, tôi vẫn đam mê phim ảnh lắm, chỉ có điều là quá bận rộn với công việc ở Nhà hát nên không sắp xếp được để tham gia các vai dài hơi. Tính từ vai trong phim "Nếp nhà" hồi 2010 thì tôi cũng đã có tới 12 năm rồi không tham gia phim ảnh. Khi được mời đóng vai Dũng trong "Anh có phải là đàn ông không", tôi thấy vai diễn khá thú vị và không mất nhiều thời gian quay nên đã xin phép lãnh đạo để tham gia.
Ngay khi nhận lời, tôi có nói với bên tổ sản xuất là sắp xếp cho tôi quay vào các ngày nghỉ cuối tuần để tôi có thể toàn tâm toàn ý cho vai diễn. Nhưng cuối cùng bên tổ sản xuất vẫn sắp cho tôi quay vào ngày thường và tôi đành phải đề nghị họ quay thông trưa để giờ hành chính vẫn có mặt ở Nhà hát điều hành công việc.
Trước đây anh từng đảm nhận khá nhiều vai diễn trên sân khấu và trên truyền hình nhưng chưa nhân vật nào ác tới mức khiến người ta sôi máu như vai Dũng trong "Anh có phải đàn ông không"?
Trước đây, tôi thường được các đạo diễn giao cho những vai chính diện, ngay ngắn, khuôn mẫu kiểu "người tốt" nhiều hơn là vai có tính cách mạnh mẽ, gai góc, bụi bặm. Từ khi bắt đầu có tuổi rồi thì một số đạo diễn giao cho những vai hơi ngược với hình hài. Chẳng hạn như vai "anh trên" trong vở "Đêm trắng" của NSƯT Xuân Bắc.
Lúc phim phát sóng, mẹ tôi có hỏi: "Sao con lại nhận vai này?". Tôi bảo với mẹ là vai diễn này có nhiều nét mới để thay đổi hình ảnh bấy lâu trên truyền hình. Về mặt lý tính lẫn cảm tính, tôi không thể tìm ra lý do gì để biện minh cho những suy nghĩ, hành động của nhân vật này. Đó là một con người ấu trĩ, mù quáng, nặng tính chiếm hữu.
Anh nghĩ gì về những lời chỉ trích, "ném đá" thậm tệ của khán giả dành cho nhân vật Dũng?
Ngay khi Dũng xuất hiện lần đầu tiên trên phim, khán giả đã có những lời chỉ trích khá nặng nề. Tuy tôi có sử dụng mạng xã hội nhưng lại không tham gia các hội nhóm nên không biết họ chỉ trích như thế nào. Sau đó, bạn bè và đồng nghiệp chụp ảnh màn hình những lời bình luận của khán giả trong các hội nhóm gửi cho tôi thì tôi mới bàng hoàng.
Tôi không nghĩ nhân vật của tôi lại khiến mọi người "bốc hỏa", "nóng mặt" và "sôi máu" đến vậy. Có nhiều người còn tuyên bố gặp nhân vật như Dũng ngoài đời sẽ không bao giờ để yến. Điều này chứng tỏ bộ phim đã thành công khi xây dựng được nhân vật này.
Được biết, trong quá trình tham gia phim "Anh có phải đàn ông không" thì anh đồng thời cũng đang làm đạo diễn của vở "Nhân thế". Anh có thể chia sẻ gì về vai diễn có cái tên khá lạ này?
"Nhân thế" là vở diễn thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn của tôi. Vở đầu tiên là "Điều còn lại", tôi dựng năm 2019, tính đến nay cũng đã 4 năm rồi. Nhiều người hỏi vì sao tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể cho "ra lò" nhiều vở diễn trong 4 năm qua nhưng lại "chững" lại, tôi cho rằng, cái này tùy thuộc vào quan điểm mỗi người.
Vở "Nhân thế" do Kiều Minh Hiếu đạo diễn đề cập đến nhiều vấn đề gai góc trong đời sống đương đại. Ảnh: NHKVN.
Khi mình thích thú, tâm đắc và hào hứng thì mới có nhiều cảm hứng để làm. Anh em trong nhà hát cũng thống nhất với nhau là không thể chạy đua theo số lượng vở diễn mà phải dồn tâm huyết lẫn chất lượng cho mỗi vở diễn mình dàn dựng.
Trong thời gian gần đây, lực lượng đạo diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam rất hùng hậu. Nhiều tác phẩm ra đời đã gây được nhiều tiếng vang như: "Người tốt nhà số 5" của NSƯT Tạ Tuấn Minh; "Đêm trắng" của NSƯT Xuân Bắc; "Khát vọng" của NSƯT Lâm Tùng; "Điều còn lại" của NSƯT Minh Hiếu; "Ảo ảnh hạnh phúc" của NSƯT Trịnh Mai Nguyên… Một loạt tác phẩm sân khấu đều được đánh giá tốt trong thời gian gần đây.
Có một điều đáng mừng là các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cực kỳ thận trọng và nghiêm túc khi xây dựng vở. Bất kỳ vở diễn nào cũng đều được đặt trọn tâm huyết vào đó. Hiếm có nhà hát nào mà anh em tổ đạo diễn lại có sự đồng nhất về quan điểm như Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tại sao vở kịch lại tên là "Nhân thế"… và anh muốn gửi gắm thông điệp gì trong vở này?
"Nhân thế" dịch nôm ra là đời người. Trong vở kịch này, một cô gái bước chân vào đời khi tuổi còn rất trẻ và mang một nỗi oán thù rất lớn. Cô đã chấp nhận lấy một thanh niên không bình thường, con của một ông lớn trên tỉnh. Tuy nhiên, cô không thể ngờ, khi bước chân vào ngôi nhà đó, cô lại sa vào cạm bẫy tình ái của ông bố. Và lúc đầu, phần người khiến cô nhận ra mối quan hệ đó là bất luân, trái đạo… nhưng vì mong muốn được trả thù cho em trai nên cô đã chấp nhận.
Bi kịch cứ thế đẩy lên cao trào khi hàng loạt các biến cố xảy ra. Cô gái này đã chọn một con đường đi không bình thường để đạt được mục đích của mình bằng mọi giá. Ở đây, cô gái này đã gạt bỏ sang một bên những thứ thuộc về phạm trù đạo đức và luân lý nhưng cái giá cuối cùng cô phải trả lại rất đắt.
Trong vở kịch, tôi có đề cập đến nạn tham nhũng, đến sự tha hóa của con người. Nhưng tôi không xoáy trực diện vào chuyện tham nhũng mà thiên nhiều về nhân quả để thấy được sự thức tỉnh của một con người. Đi qua những màn đêm, những đen đuốc… còn người đã nhận ra cái giá mình đã phải trả quá đắt và mong muốn được xây dựng lại trang đời mới tốt đẹp hơn. Đó chính là những điểm sáng, những hy vọng, những điều tích cực mà vở diễn gửi gắm đến khán giả.
Ở Việt Nam, kịch chống tham nhũng thường không dám đề cập một cách trực diện đến những vấn đề nóng của xã hội vì sợ không qua được hội đồng duyệt. Anh có bị ảnh hưởng tâm lý bởi điều đó không?
Tất nhiên là có rồi. Vì vở kịch này có đề cập đến vấn đề nhạy cảm nên cả tác giả kịch bản lẫn đạo diễn đều phải chọn cách thể hiện sao cho phù hợp nhất. Thực chất trong vở kịch này tôi xoáy sâu vào một khía cạnh tha hóa của con người hơn là tham nhũng. Đó là sự tha hóa về đạo đức khi họ bằng mọi giá phải trả thù. Đó là sự tha hóa về nhân cách khi họ dâng cao tham vọng tiền bạc và quyền lực. Họ cứ nhân danh hạnh phúc lứa đôi nhưng lại hoàn toàn đang phá vỡ hạnh phúc.
Vì sao anh lại chọn nhạc sĩ Phùng Tiến Minh thực hiện phần âm nhạc của vở kịch này?
Phùng Tiến Minh đã viết kịch cho rất nhiều vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam như vở "Bão tố Trường Sơn", "Nguồn sáng trong đời", "Điều còn lại", "Romeo &Juliet"…
Đây là lần thứ hai tôi cộng tác với Phùng Tiến Minh. Tôi rất tin tưởng vì nhạc sĩ này vì anh cũng là một đạo diễn sân khấu, một diễn viên kịch nên rất hiểu nghệ thuật sân khấu cần những gì. Chất liệu âm nhạc của Phùng Tiến Minh đa màu cho đạo diễn nào cũng muốn mời anh ấy cộng tác. Anh ấy làm việc rất trách nhiệm và tâm huyết. Trong vở "Nhân thế", âm nhạc của Phùng Tiến Minh có một vị trí rất quan trọng. Đã lột tả được nhiều lớp diễn và có ca khúc tôi rất tâm đắc. Phùng Tiến Minh đọc kịch bản, xem bản mộc sau đó mới sáng tác.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.