Dân Việt

Nữ doanh nhân Sài Gòn theo đuổi phương pháp truyền thống để nuôi dạy con

Châu Mỹ 24/04/2022 16:49 GMT+7
Cho con đi chùa, tập phóng sinh, làm thiện nguyện, mặc áo dài, ăn chay, ăn Keto, học làm bánh, học thư pháp... từ nhỏ, chị Minh Ngọc mong muốn con sẽ trở thành một chàng trai tốt với tâm hồn bao dung, rộng lượng, không bị vật chất chi phối.

Từ thờ ơ làm mẹ đến "nghiện" con

Ở tuổi 32, Minh Ngọc quyết định kết hôn với người đàn ông mình yêu. Vốn là người phụ nữ của công việc, chưa sẵn sàng tâm lí cho việc làm mẹ, nhưng để thuận theo ý chồng, Ngọc đã mang thai đứa con đầu lòng.

Mẹ đơn thân Sài Gòn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng - Ảnh 1.

Mẹ đơn thân Minh Ngọc trở thành doanh nhân thành đạt nhờ nỗ lực học hỏi, vượt qua nghịch cảnh. Ảnh: NVCC

"Thật sự, ban đầu, mình không hề có ý định mang thai khi còn quá nhiều dự định, ước mơ cho công việc. Nhưng khi mang thai và đi khám, cảm nhận được sự lớn dần của em bé trong người, mình thấy được sợi dây liên kết giữa mẹ và con. 

Có lần, vì mình ham mê công việc, kiệt sức đến độ phải nhập viện, bác sĩ cảnh bảo với mình nếu cứ tiếp tục sẽ không thể giữ được thai. Nhìn gương mặt của đứa trẻ trên màn hình siêu âm, bỗng dưng tình mẫu tử trỗi dậy", chị Ngọc nhớ lại.

Quyết định giữ con, Minh Ngọc cũng như như người mẹ khác, bắt đầu nghĩ cho con nhiều hơn. Chị không mang giày cao gót, không thoa son, không uốn nhuộm tóc, giảm bớt công việc, thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt nhất dành cho những bà mẹ khi mang thai. 

Mẹ đơn thân Sài Gòn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng - Ảnh 2.

Mẹ đơn thân Minh Ngọc tạo dựng thương hiệu thời trang riêng sau khi thử đủ nghề.

Tưởng chừng quá trình mang thai sẽ êm xuôi chờ đến ngày con thơ chào đời. Nhưng sự cố xảy ra, Minh Ngọc sinh non và buộc phải sinh mổ. 

Vì là lần đầu làm mẹ và cũng chưa sẵn sàng tâm lý sinh con, người mẹ khá lóng ngóng trong việc chăm sóc cho bé. Ngọc kể: “Lần đầu tiên cho bé bú, do thiếu kiến thức, mình đã khiến con phải sặc sữa, trào ngược dạ dày. Người con bắt đầu tím tái, cứ gọi y tá và bác sĩ mãi nhưng không thấy, mình đành bế con chạy thang bộ từ lầu 6 xuống. Thật sự lúc đấy vừa mới mổ, mình không biết sức lực ở đâu mà có thể làm được việc đó. Sau lần đấy, mình đã tự trách bản thân rất nhiều”.

Minh Ngọc bắt đầu cố gắng tìm tòi, nghiên cứu cách chăm sóc bé. “Cũng khá may mắn, thời gian ở cữ, mình ở nhà bố mẹ đẻ, nên cháu cũng được ông bà chăm sóc. Có những việc gì không hiểu, mình lại tìm hiểu sách báo, bác sĩ và từ mẹ”.

Dần dần, chị cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng qua những khoảnh khắc ngắm gương mặt bụ bẫm, cầm bàn tay, bàn chân nhỏ xíu của đứa trẻ và cảm nhận được hơi thở, nhịp đập của con khi nằm gọn trong lòng mình. Con trai tên Chip của chị càng lớn, chị càng dần trở thành một bà mẹ nghiện con.

Hiện hai mẹ con sống trong một căn hộ cao cấp tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Facebook, Zalo của Ngọc ngập tràn hình ảnh con trai khi làm bánh, lúc đi đổ rác, khi đi bơi... Đi làm tóc, đi chợ, đi chơi, đi chùa, đi làm từ thiện, Ngọc đều mang con theo, hai mẹ con dính nhau như hình với bóng tới nỗi ít ai ngờ, nhiều năm trước, cô từng là một bà mẹ cuồng công việc.

Hành trình nuôi dạy con gian nan theo phương pháp truyền thống

Khi con trai được 20 tháng tuổi, Minh Ngọc cai sữa con và gửi cho bà ngoại để quay lại với công việc.

"Mình lao vào làm như điên, làm quên bản thân, đôi lúc quên cả con, hầu như lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ. Ban đầu, do vừa mới cai sữa bé, nên ngực lúc nào cũng căng và tức, phải đi vào nhà vệ sinh để hút sữa, cứ luôn nhớ con và muốn nhanh về với bé. 

Rời công ty, mình lại đem việc về nhà, chờ con ngủ mình tranh thủ làm gần đến tận sáng. Suốt một thời gian dài mình lao vào công việc như thế. Nhưng sau đó, để có thể bên cạnh con nhiều hơn, mình đã quyết định ra làm riêng", Ngọc chia sẻ.


Mẹ đơn thân Sài Gòn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng - Ảnh 3.

Hai mẹ con Minh Ngọc diện trang phục áo dài do chính mẹ đơn thân thiết kế.

Chị từng có thời gian bôn ba ra tận miền Trung tham gia dự án khai thác quặng, có chút vốn thì tạo dựng thương hiệu thời trang riêng, rồi ngược xuôi buôn bán đá quý, thiết kế trang sức... Ngọc làm đủ nghề, sau chừng vài năm, công việc kinh doanh ổn định, chị mới có điều kiện đón con về sống cùng.

"Thời gian đầu đón bé về, mình cũng khá vất vả để con quen với nhịp sống mới. Vì bé là cháu đầu nên ông bà rất cưng, do đó, việc rèn con vào khuôn khổ và kỷ luật khá khó khăn, nhất là thời điểm những năm đầu đời mình không ở cạnh bé thường xuyên. Mình trằn trọc khá nhiều để tìm ra cách làm sao cho hai mẹ con gần gũi hơn, để bé sớm hòa nhập với cuộc sống mới tự lập, tự giác...", chị Ngọc chia sẻ.

Mẹ đơn thân Sài Gòn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng - Ảnh 4.

Mẹ Minh Ngọc và con trai


Sau cùng, Ngọc quyết định dừng hoặc tạm ngưng khá nhiều dự án quan trọng để trực tiếp cùng con tham gia nhiều lớp rèn luyện kỹ năng và các hoạt động thực tế. Hai mẹ con cùng học viết thư pháp, học vẽ, học đàn bầu, học làm bánh, học nấu ăn...

Ngọc cũng trực tiếp vào bếp, tự tay làm đồng thời nhờ con phụ mình, làm những món ăn Keto cho cả hai mẹ con để cùng giảm cân, giữ sức khỏe. Đi thiện nguyện, đi chùa, chị đều đưa con theo để bé sớm ý thức được việc giúp đỡ người khác, người yếu thế hơn mình là một niềm hạnh phúc.

"Những lớp học kỹ năng vừa giúp con hiểu được văn hóa, lịch sử Việt Nam, vừa rèn được tính kiên nhẫn cho cả mẹ và con. Đến nay, Chíp 9 tuổi, có thể nấu những món đơn giản, tự giác giúp mẹ làm nhiều việc nhà, biết giúp đỡ người khác, không còn mè nheo và đòi hỏi như hồi nhỏ. 

Mình cảm thấy, quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì và phải dành thời gian thật sự cho con, như vậy thì việc giáo dục, định hướng sẽ có kết quả. Bản thân mình cũng rút ra nhiều bài học quý giá trong suốt quá trình đồng hành cùng con", chị Ngọc tâm sự.

Có được nền tảng vật chất vững chắc, Ngọc không chỉ tập trung lo cho gia đình mà còn bắt đầu các công việc thiện nguyện và tạo điều kiện giúp đỡ các bạn theo học ngành thiết kế. 

Chị đã tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho các bạn sinh viên ngành thiết kế với các sản phẩm thời trang và trang sức mang thương hiệu của riêng mình.