Tin vui cho người yêu sách: Nối dài sự sống cho những cuốn sách trăm năm tuổi

M.T Chủ nhật, ngày 24/04/2022 16:27 PM (GMT+7)
Tại đường Sách thành phố Hồ Chí Minh vừa xuất hiện một đơn vị chuyên sửa chữa, phục chế và đóng sách nghệ thuật, mang tên Con Mèo Nhỏ.
Bình luận 0

Phục hồi, kéo dài tuổi thọ cho sách

Ngày 24/4, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh, buổi trò chuyện "Kỹ thuật Phục chế sách xưa" đã thu hút đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi đến tham dự và tương tác sôi nổi. Chương trình do các đơn vị Con Mèo Nhỏ và Hán Nôm Đường tổ chức, đơn vị đồng hành: Quán Sách Mùa Thu và Haydecor.

Tin vui cho người yêu sách: Nối dài sự sống cho những cuốn sách trăm năm tuổi - Ảnh 1.

Quán sách Con Mèo Nhỏ, nơi phục chế sách cổ tại Đường Sách TP.HCM. Ảnh: Q.S.M.T

Anh Cao Văn Hân – người sáng lập Con Mèo Nhỏ cho biết: "Xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng đối với các di sản tri thức lâu đời, các thành viên của Con Mèo Nhỏ đã dành thời gian học hỏi nghiêm túc để nắm thành thạo các kỹ thuật nhằm góp phần phục hồi, kéo dài tuổi thọ cho sách".

Nhiều năm trong lĩnh vực sưu tầm sách, anh Cao Văn Hân đã gặp gỡ nhiều người và chứng kiến những câu chuyện xúc động xoay quanh việc gìn giữ, bảo tồn, cứu chữa những cuốn sách cổ. Với nhiều người, một cuốn sách không chỉ là ấn phẩm đơn thuần cho việc đọc, học hỏi, giải trí mà đôi khi đó chính là kỷ vật gia truyền, chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu mà không một vật chất nào sánh được.

Tin vui cho người yêu sách: Nối dài sự sống cho những cuốn sách trăm năm tuổi - Ảnh 2.

Giao lưu với diễn giả Bùi Tiến Phúc – người sáng lập Hán Nôm Đường.

Thấu hiểu nhu cầu của một bộ phận công chúng, đặc biệt là với những ai vẫn đang gìn giữ tủ sách gia đình hay chỉ đơn giản là có tình yêu và sự trân trọng các ấn phẩm xưa và nay, cần có một nơi để gửi gắm những cuốn sách quý của họ cho việc sửa chữa, phục hồi và đóng bìa, anh Cao Văn Hân thành lập Con Mèo Nhỏ như là gian hàng đầu tiên tại Đường Sách TP.HCM chuyên sâu theo mảng sửa chữa và đóng sách nghệ thuật.

Mỗi cuốn sách được mang đến Con Mèo Nhỏ được nâng niu, chăm sóc như một con người thực thụ. Những chuyên viên ở đây sẽ tìm hiểu tình trạng "sức khỏe" cuốn sách và đưa ra phương án  "chăm sóc và đóng bìa" phù hợp nhất để cải thiện hiện trạng, kéo dài tuổi thọ cuốn sách.

Những "bác sĩ" tâm huyết cứu sách cổ

Tin vui cho người yêu sách: Nối dài sự sống cho những cuốn sách trăm năm tuổi - Ảnh 3.

MC và diễn giả chia sẻ về giá trị của sách cổ và bảo tồn là cách gìn giữ di sản quý.

Những cuốn sách lâu năm trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử  và dòng thời gian, rơi vào tình trạng hư hỏng, rách nát... được tiếp thêm sinh lực để có một cuộc đời mới nhờ vào bàn tay tinh tế, khéo léo; sự nhẫn nại và tập trung tuyệt đối của những người "bác sĩ" sách lành nghề, đầy tâm huyết.

Những cuốn sách mới xuất bản được khoác lên mình chiếc áo mới sang trọng, hay thêm thắt các chi tiết mạ vàng độc đáo càng tăng thêm phần giá trị và có thể dễ dàng bảo quản lâu dài hơn.

Tin vui cho người yêu sách: Nối dài sự sống cho những cuốn sách trăm năm tuổi - Ảnh 4.

Anh Cao Văn Hân trả lời các thác mắc của các nhà báo về các công đoạn phục chế sách.

Cùng chung niềm đam mê và nỗ lực lớn trong ngành phục chế sách, diễn giả Bùi Tiến Phúc – người sáng lập Hán Nôm Đường đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị xoay quanh lĩnh vực này. Là một người được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này, nên những câu chuyện của Tiến Phúc tạo nên sự cuốn hút đặc biệt với người nghe. Việc phục chế sách có tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học, hợp lý sẽ mang đến hiệu quả lâu dài.

Để "hồi sinh" thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm,  "bác sĩ sách" phải có am hiểu sâu sắc về tài liệu đó. Đầu tiên, là việc giải phẫu cuốn sách. Ở công đoạn này, người làm công tác phục chế phải hết sức tỉ mỉ, quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in & lối đóng. 

Tiếp đó là hàng loạt các kỹ thuật phục chế hết sức công phu. "Bác sĩ sách" cần ghi chép chi tiết hiện trạng của sách, đánh số trang & tiến hành làm vệ sinh tùy theo tình trạng & yêu cầu "cứu chữa" với những chất liệu chuyên biệt. Kế đó là kiểm tra độ pH và thử Axit cho giấy. Một công đoạn cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém là nấu hồ và tu bổ cục bộ (vá rách, bổ khuyết), bồi nền.

Đối với thư tịch Hán Nôm, các công việc tiếp theo là gấp trang, ép sách, xếp trang, cố định ruột sách bằng đinh giấy, xén sách (đối với sách bồi nền), chuẩn bị bìa sách & đục lỗ, may sách.

Đối với sách chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp (sách đóng kiểu Tây) thì sau bước gấp trang là phải ép các tay sách; đục lỗi, may sách; phục hồi bìa; vào bìa & đóng bìa mới.

Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, Tiến Phúc đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình miệt mài, tu bổ, phục chế những cuốn sách xưa.


Bùi Tiến Phúc tốt nghiệp cử nhân Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2013, công tác tại Thư viện Huệ - Quang, Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ - Quang trước khi sang Đài Loan du học chuyên ngành Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa tại trường Fo Guang University vào năm 2020.

Phúc đã từng thực tập tại Bệnh viện Sách Đài Loan, làm việc tại phòng Bồi biểu Thư họa và Tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên thành phố Tân Bắc, Đài Loan. Anh cũng từng là trợ giảng tại các lớp Bảo quản & Tu bổ hiện vật chất liệu giấy tại Lim Lian Geok Memorio, Malaysia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem