Chiều 25/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã làm việc với Thành ủy, UBND, Sở GD-ĐT TP.HCM và một số sở, ban, ngành liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo của thành phố.
Tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu nhiều kiến nghị phù hợp đặc thù của thành phố đối với Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, đối với đội ngũ triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị, các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, Nhật, Trung Quốc, tiếng Pháp…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông có thể tham gia giảng dạy theo hình thức thỉnh giảng, hợp đồng tại các cơ sở.
Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng, tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Với các giáo viên môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP.Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy các môn này tại các trường trung học phổ thông theo hình thức thỉnh giảng.
Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia thỉnh giảng theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường trung học phổ thông.
Từ quy mô trường lớp thực tế, TP.HCM đề nghị cho phép được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập phải có đủ 4 vị trí việc làm là nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế. Riêng đối với nhân viên y tế, cứ trên 1.000 học sinh thì thêm một nhân viên y tế vì nhiều trường ở thành phố có quy mô lớn, học sinh đông.
Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị, cho phép các cơ sở giáo dục công lập được liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Học sinh tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng của Việt Nam và quốc tế.
cho phép các cơ sở giáo dục công lập được liên kết, sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế
Phân cấp cho UBND thành phố được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước – quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị Bộ hướng dẫn, xem xét cho phép Trường Đại học Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù: Tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố; Cho phép Trường Đại học Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình Ngoại ngữ 2, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Giao quyền chủ động UBND TP.HCM về giao chỉ tiêu lớp thường trong trường chuyên, giúp TP.HCM thực hiện các cơ chế đặc thù phát triển các ngoại ngữ khác, thực hiện các đề án của thành phố.