Thời gian vừa qua, Nga chịu ảnh hưởng của một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng. Mới đây nhất, Mỹ và một số nước châu Âu đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. SWIFT hiện đang sử dụng tại hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia toàn cầu. Lệnh trừng phạt này khiến các kênh "rửa tiền" thông thường được sử dụng bởi tội phạm mạng Nga bị tê liệt.
Không những thế, Nga còn tiếp tục ngừng hoạt động các dịch vụ chuyển tiền trực tiếp như Western Union và MoneyGram. Những kẻ lừa đảo và tống tiền thường sử dụng các dịch vụ này để nhận khoản thanh toán từ nạn nhân mà không phải tiết lộ danh tính thực. Việc giới chức Nga dừng hoạt động các dịch vụ này trở thành đòn giáng mạnh vào giới tội phạm nước này.
Hacker Nga gặp khó vì loạt lệnh trừng phạt quốc tế. Ảnh: Internet
Chưa dừng lại ở đó, ngày 5/4, mạng lưới Hydra của Nga, có người dùng chủ yếu ở Nga và các nước lân cận, năm ngoái chiếm 80% tổng số giao dịch tiền điện tử liên quan đến thị trường darknet, đã bị chính quyền Đức phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ thu giữ và đóng cửa. Các nhà chức trách ở Đức đã thu giữ các máy chủ và cơ sở hạ tầng khác được sử dụng bởi mạng lưới trị giá hàng tỷ đô la này, cùng với một khoản dự trữ khoảng 25 triệu đô la từ đồng ảo bitcoin.
Ngày 6/4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt với sàn giao dịch tiền điện tử Garantex, một trong những nền tảng quan trọng nhất mà tội phạm mạng Nga sử dụng để rửa tiền. Từ đó, xuất hiện một làn sóng lệnh trừng phạt đối với các nền tảng tương tự bắt đầu từ năm 2021.
Ngày 22/4, Binance - Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã tiến hành ngừng kích hoạt tài khoản của các khách hàng lớn ở Nga. Nga là một trong năm thị trường hàng đầu của Binance trên toàn cầu với khoảng 10 triệu tài khoản, công dân Nga và những người sống ở nước này, cũng như các công ty có trụ sở tại đó đang nắm giữ tiền điện tử trị giá hơn 10.000 euro (10.900 đô la), tất cả sẽ bị cấm thực hiện các khoản tiền gửi hoặc giao dịch mới.
Với hàng loạt các lệnh trừng phạt quốc tế được đưa ra, giới tội phạm Nga rơi vào hoàn cảnh khó khăn bủa vây, phải loay hoay tìm kiếm các phương án rửa tiền mới để có thể rút tiền hoặc giữ an toàn các khoản lợi nhuận và đặc biệt là tiền điện tử đánh cắp được.
Theo các nhà phân tích tại Flashpoint, hiện tại, cộng đồng hacker Nga đã chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán của Trung Quốc, bao gồm các ngân hàng Trung Quốc và hệ thống thẻ Union Pay. Tuy nhiên, Union Pay đang xem xét từ chối phục vụ người dùng Nga nên phương án này không khả thi về lâu dài.
Bởi vậy, một nhóm rửa tiền mới đã chuyển sang các đường chuyển tiền bẩn qua hệ thống các ngân hàng ở một số quốc gia không áp đặt các lệnh trừng phạt với các ngân hàng Nga như: Armenia, Trung Quốc,…
Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu phân tích giới tội phạm Nga đã chuyển sang áp dụng các phương thức tiếp cận dài hạn như đầu tư vào vàng hoặc lưu trữ tiền điện tử trong ví lạnh cho đến khi tình hình trở nên dễ thở hơn.