Nhiều nước trên thế giới liên tục tăng ngân sách quốc phòng khiến một số chuyên gia lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang (ảnh: AP)
Báo cáo do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra hôm 25.4 cho hay, năm 2021, chi tiêu quốc phòng của thế giới ở ngưỡng 2.100 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử.
“Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận”, Diego Lopes da Silva – chuyên gia cao cấp của SIPRI – nhận xét.
Theo SIPRI, năm 2021, chi tiêu quân sự trung bình của thế giới đã tăng 0,7% so với năm 2020, đánh dấu mức tăng 7 năm liên tiếp.
SIPRI nhận định, trong bối cảnh xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine, châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới có thể chi mạnh tay cho quốc phòng vào năm 2022.
Trong năm 2021, Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất thế giới với số tiền 801 tỷ USD. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngân sách Mỹ đổ vào nghiên cứu và phát triển vũ khí tăng 24%, trong khi mua sắm vũ khí giảm 6,4%.
Quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều thứ 2 thế giới trong năm 2021 là Trung Quốc với 293 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm trước. Đây là năm thứ 27 liên tiếp Trung Quốc tăng ngân sách quân sự.
Ấn Độ - nước chi nhiều thứ 3 thế giới cho quốc phòng trong năm 2021 - đã tăng ngân sách lên mức 76,6 tỷ USD. Xếp ở vị trí thứ 4 thế giới là Anh, với 68,4 tỷ USD.
Trong năm 2021, chi tiêu cho quân sự của Nga ở mức 65,5 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2020. Nga nổi tiếng thế giới là chi tiêu quốc phòng tiết kiệm nhưng hiệu quả với hàng loạt vũ khí mới được ra mắt, đặc biệt là hệ thống tên lửa siêu vượt âm. Năm 2021, Nga chi quốc phòng lớn thứ 5 thế giới.
Theo SIPRI, dù gặp khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, năm nay, Nga vẫn sẽ tăng chi tiêu quân sự nhờ nguồn thu từ giá nhiên liệu tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.