Dân Việt

Bí quyết vực học sinh yếu kém đỗ tốt nghiệp của cô giáo Hà Nội

Nam Du 27/04/2022 07:57 GMT+7
Có phương pháp kèm cặp, động viên đối tượng học sinh yếu kém, mất gốc kiến thức vươn lên đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là những ấn tượng đẹp đẽ của phụ huynh, học sinh khi nhắc đến cô Vũ Thị Ngọc Linh, giáo viên dạy Toán, trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình).

Tạo niềm tin cho học sinh 

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội vừa tổ chức, cô giáo trẻ Vũ Thị Ngọc Linh đã mang đến cho những người dự hội nghị niềm xúc động và cảm phục trước sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng nhiệt tình của một giáo viên dạy Toán, nhất là trong việc khơi dậy ý thức, khát khao thay đổi bản thân của đối tượng học sinh yếu kém để làm nên những điều kỳ diệu.

Bí quyết vực học sinh yếu kém đỗ tốt nghiệp của cô giáo Hà Nội - Ảnh 1.

Cô Vũ Thị Ngọc Linh trong một giờ lên lớp

Cô Linh kể: Năm học 2021- 2022, hưởng ứng phong trào “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, cô được Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình phân công dạy ôn thi tốt nghiệp THPT môn Toán cho toàn bộ học sinh yếu kém khối 12 của trường. Lớp học gồm 32 học sinh, đó là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, bị mất gốc về kiến thức, ý thức học tập chưa tốt và có nguy cơ trượt tốt nghiệp cao.

Vốn là giáo viên chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi, lại được nhà trường phân công kèm cặp các học sinh thuộc tốp cuối của khối qua hình thức online, cô Linh đã rất lo lắng và trăn trở. Với đối tượng học sinh bình thường, dạy trực tuyến đã không đơn giản thì với học sinh yếu kém, làm thế nào để việc dạy học đạt hiệu quả khi thời gian không còn nhiều?- cô Linh tự hỏi mình. Nhưng rồi, càng khó khăn thì cô càng quyết tâm và đặt mục tiêu: Phải tìm ra cách thức kích thích được tinh thần tự giác, cố gắng của các em để vực được tất cả những học sinh yếu kém này lên, hơn cả là tạo niềm tin, tạo hành trang để các em tham gia thi và dành cho mình cơ hội tốt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vừa dạy, vừa động viên

Cô Linh bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch, xây dựng khung chương trình ôn thi, biên soạn hệ thống câu hỏi cho từng dạng bài, từng chuyên đề theo các mức độ từ dễ nhất và nâng dần độ khó, bám sát các đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để các em nắm được kiến thức cơ bản, từ đó dần dần không thấy sợ môn Toán nữa. Cô Linh còn hướng dẫn các em sử dụng máy tính Casio để giải quyết từng dạng bài. Khám phá các chức năng của máy tính mà trước đây do mải mê với điện thoại mà không biết nên các học sinh này rất hào hứng, phấn khởi. Tinh thần học tuy đã lên ít nhiều nhưng đứng trước một đề toán, hầu hết các em đều thấy khó, nhất là với phần hình học.

Bí quyết vực học sinh yếu kém đỗ tốt nghiệp của cô giáo Hà Nội - Ảnh 2.

Cô Ngọc Linh nhận danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" năm 2021 của Công đoàn Giáo dục Hà Nội

Nhằm khắc phục điều này, cô Linh đã sử dụng phần mềm Geogebra để minh họa các hình học trong không gian 3D, giúp các em tưởng tượng ra hình và có cái nhìn trực quan giống như đang nhìn các mô hình thật; và rồi, các em đã tự mình đưa ra được hướng giải quyết bài toán.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn quan tâm, chú ý xem từng em còn yếu ở chỗ nào để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Tôi khuyến khích, động viên các em cố gắng; bên cạnh đó cũng thường xuyên trao đổi, phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh học sinh cùng nắm bắt tâm sinh lý của các em, kịp thời giúp đỡ những khó khăn cho các em trong quá trình ôn tập”- cô Linh chia sẻ.

Với sự nhiệt tình, tận tụy đó, chỉ sau một thời gian ngắn, cô Linh vui mừng khi các học sinh trong lớp học đã nắm được kiến thức cơ bản, ngày càng tự tin và thích học Toán hơn. Kết quả, những học sinh yếu kém do cô Linh kèm cặp đã đạt kết quả rất tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 100% các em đạt điểm từ trung bình trở lên, trong đó có gần 70% các học sinh yếu kém đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi môn Toán; đặc biệt, có 3 học sinh lực học rất yếu nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Toán đạt loại giỏi.

Ngoài các tiết học chính khóa, cô Linh còn tổ chức các giờ ngoại khóa Toán học, giống như một sân chơi để các em học sinh có thể giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng của mình. Nhiều năm, cô trực tiếp lãnh đội và tham gia giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi các cấp của nhà trường và đã đạt được một số thành tích tốt. Cô luôn chủ động trao đổi với tổ, nhóm chuyên môn những bài giảng khó để các giáo viên trong tổ cùng thảo luận và giúp đỡ nhau và có các bài giảng chất lượng, hiệu quả. Cô còn lập kế hoạch và cùng với các đồng nghiệp trong tổ bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi áp dụng vào giảng dạy và ôn thi cho từng khối lớp giúp chất lượng và kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Toán trong nhà trường ngày càng nâng cao qua từng năm học.

Được biết, việc chủ động lên kế hoạch ôn tập và dành sự quan tâm đặc biệt với đối tượng học sinh bị mất gốc kiến thức, có tinh thần học tập kém là nhiệm vụ thường xuyên của các trường học Hà Nội, nhất là khi các kỳ thi quan trọng sắp diễn ra. Những thầy cô giáo như cô Linh cho rằng, trong quá trình dạy dỗ, kèm cặp các đối tượng học sinh này cần hơn cả là sự quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia và đồng hành của phụ huynh trong việc thấu hiểu để cùng góp phần mang đến những điều tốt đẹp, ý nghĩa cho các em.