Hôm 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết nước này đã chấp thuận việc giao cho Ukraine 50 xe tăng Gepard trang bị súng phòng không từ kho của công ty KMW.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hoan nghênh quyết định này của Đức.
"Những hệ thống này sẽ cung cấp năng lực thực sự cho Ukraine”, ông nói sau cuộc hội đàm với Lambrecht và hàng chục đối tác tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở miền Tây nước Đức.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cảnh báo rằng những chiếc xe tăng này cần nhiều tháng huấn luyện và có nguy cơ trở nên vô dụng đối với lực lượng Ukraine trong ít nhất 5 tháng nữa.
Markus Richter, một trung sĩ thuộc lực lượng dự bị trong quân đội Đức, người từng điều khiển của một chiếc Gepard, nói với Politico: "Tôi rất ngạc nhiên khi chính phủ chọn cung cấp một hệ thống vũ khí phức tạp như vậy thay vì xe tăng Marder hoặc Leopard, chúng dễ vận hành và bảo trì hơn".
Ông nhấn mạnh: "Tôi có thể đánh giá từ kinh nghiệm của bản thân rằng việc huấn luyện sử dụng Gepard mất rất nhiều thời gian. Trong trường hợp hệ thống Gepard được chuyển giao, quá trình đào tạo đầy đủ phải mất khoảng 5 tháng".
Ông Richter chỉ ra sự mâu thuẫn trong lập luận của chính phủ, bởi trước đó Berlin tuyên bố: "Chúng tôi không thể chuyển giao xe tăng Marder bởi vì quá trình đào tạo sẽ mất quá nhiều thời gian".
Động thái này cũng làm dấy lên cơn thịnh nộ của nghị sĩ chính sách đối ngoại CDU Roderich Kiesewetter, ông nói: "Nếu như chính phủ Đức tin rằng những lực lượng vũ trang Ukraine có thể học hỏi các hệ thống phức tạp của phương Tây một cách nhanh chóng, thì tại sao họ không chuẩn bị thêm cả xe chiến đấu bộ binh Marder, hệ thống xe tăng Leopard hoặc pháo cho Kiev?"
Tại Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng thúc giục Thủ tướng Đức Olaf Scholz cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu Leopard, đồng thời nói thêm rằng Đức nên đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.
"Tôi không ở vị trí của Thủ tướng Olaf Scholz, vì thế nên tôi chỉ có thể nói những gì tôi sẽ làm nếu ở vị trí của ông ấy: Tôi sẽ nhanh chóng giao xe tăng", ông Nauseda được nhóm truyền thông Funke dẫn lời hôm 27/4.
Ông Nauseda cho biết Đức đang đi đúng hướng nhưng nếu muốn kế hoạch thành công thì không thể dừng lại giữa chừng.
Ông nói thêm: "Điều quan trọng là Ukraine có được các thiết bị quân sự mà họ cần ngay bây giờ. Ngày mai hay ngày kia có thể là quá muộn".
Một số người chỉ trích, bao gồm cả đại sứ Ukraine tại Đức, cáo buộc Berlin do dự trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine và thực hiện các biện pháp khác có thể giúp Kiev đẩy lùi lực lượng Nga, chẳng hạn như lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng Nga.
Họ nói rằng Berlin không thể hiện vai trò lãnh đạo như mong đợi từ một cường quốc lớn và sự chậm trễ của nước này đang khiến người Ukraine phải trả giá.
Những lời kêu gọi của Ukraine đối với vũ khí hạng nặng đã tăng lên kể từ khi Moscow chuyển hướng tấn công sang khu vực phía đông Donbass, nơi được coi là phù hợp cho việc sử dụng xe tăng hơn so với vùng xung quanh thủ đô Kiev.