Tại lễ kỷ niệm 45 thành lập Viện Lúa ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thay mặt lãnh đạo Bộ cám ơn, tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Viện đã cống hiến, giúp nước ta có một ngành lúa gạo như bây giờ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, vai trò của Viện lúa ĐBSCL rất quan trọng đối với an ninh lương thực. "Tôi vẫn kiên quyết bảo vệ đất lúa, giữ được 3,5 triệu, có rất nhiều ý kiến giảm xuống còn 3,1 triệu ha nhưng tôi cho rằng chúng ta phải sử dụng linh hoạt" - Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vùng ĐBSCL hiện nay được quan tâm rất đặc biệt và vai trò của Viện được kỳ vọng rất là lớn, đây cũng là cơ hội cho Viện phát triển.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Viện lúa ĐBSCL duy trì tiếp truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời, tiếp tục phát triển, đặc biệt là hai mảng nghiên cứu và đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp lai tạo giống lúa để thương mại, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận.
TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho hay, trong 45 năm qua, Viện lúa ĐBSCL không ngừng xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
"Bắt đầu từ những trại đơn sơ bên bờ kênh, tiếp đến những dãy nhà làm việc nhà cấp 4 và dần dần khu nhà làm việc 2 tầng khang trang hơn được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1980. Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình và sự quan tâm của Bộ NNPTNT, Viện Lúa ĐBSCL không ngừng được mở rộng đến ngày nay"- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.
Cũng theo Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Viện hiện có thể tạo ra gần 10.000 tấn giống/năm, đủ để phục vụ cho 200 ha ruộng sản xuất tại chỗ và hợp tác sản xuất gần 2.000 ha ở các địa phương. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu cũng không ngừng được mua sắm bổ sung.
Đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo và đưa vào sản xuất hơn 180 giống lúa các loại. Diện tích gieo trồng giống lúa OM của Viện chiếm từ 60-75% ở ĐBSCL. Một số giống khác của Viện như OM5451, OM18, OM380... đang được gieo trồng phổ biến và đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam.
Phần lớn các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85-110 ngày, tiềm năng năng suất cao và thích nghi với các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL và một số địa phương khác.
Công tác chọn tạo giống cũng đang được điều chỉnh theo hướng đa dạng về chất lượng gạo phục vụ nhu cầu của thị trường và thích ứng với điều kiện của môi trường thay cho chỉ duy nhất một mục tiêu là năng suất như trước đây.
Sự chuyển đổi này đã giúp nâng tỉ lệ giống lúa thơm và lúa chất lượng cao sử dụng trong sản xuất ở ĐBSCL lên khoảng 70% như hiện nay và năng suất lúa đạt bình quân gần 6 tấn/ha.
Ngoài lĩnh vực giống lúa, các nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật canh tác lúa: làm đất, quản lý nước, quản lý cỏ dại, quản lý dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh hại... của Viện Lúa ĐBSCL đã góp phần hình thành các quy trình kỹ thuật canh tác lúa phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái ở từng thời kỳ khác nhau.
Các kết quả nghiên cứu này đã được tích hợp trong 16 công trình khoa học đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia.
Viện Lúa ĐBSCL đã có 35 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quý đối với ngành nông nghiệp không chỉ trước mắt mà còn ở tương lai lâu dài.