Dân Việt

Yêu đồ ăn Việt, người phụ nữ Nhật hơn 20 năm giúp nông dân trồng rau sạch

Châu Mỹ 28/04/2022 09:06 GMT+7
Chị Mayu Ino đến Việt Nam từ năm 1997 trong vai trò nhân viên của một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản giúp đỡ phát triển bền vững nông thôn bằng cách chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân.

Năm 2009, dự án không còn tiếp tục, nhưng với cái duyên gắn bó với Việt Nam, Mayu quyết định thành lập tổ chức phi chính phủ “Từ hạt giống đến bàn ăn” và tiếp tục đồng hành cùng nông dân Việt.

Yêu đồ ăn Việt, người phụ nữ Nhật hơn 20 năm giúp nông dân Việt trồng rau sạch! - Ảnh 1.

Mayu Ino mặc áo dài Việt, nói tiếng Việt như người bản địa. Ảnh: T.L

Rời bỏ gia đình, dành cả thanh xuân để kêu gọi vốn giúp nông dân Việt Nam

Người dân trong con hẻm nhỏ quận 3 – TP.HCM gần 20 năm nay đã quá quen với một phụ nữ Nhật nhưng nói tiếng Việt như người bản địa, xởi lởi chào hỏi và luôn nở nụ cười trên môi. Chị chính là Mayu Ino – “bà đỡ” của rất nhiều dự án giúp nông dân Việt trồng rau sạch. Đặt “đại bản doanh” ở TP.HCM nhưng chị đi hầu khắp các tỉnh Việt Nam để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống cây...cũng như tìm đầu ra cho các dự án trồng rau sạch của bà con.

Mayu đến Việt Nam lần đầu tiên thông qua một chuyến du lịch, sau đó là nghiên cứu luận án thạc sĩ về đề tài người Nùng. Lần tiếp theo là chị  cùng Trung tâm tình nguyện Nhật Bản hỗ trợ các tỉnh nghèo thông qua các dự án xây dựng đập nước và chống xói mòn cho đất bằng cách trồng quýt. 

Yêu đồ ăn Việt, người phụ nữ Nhật hơn 20 năm giúp nông dân Việt trồng rau sạch! - Ảnh 2.

Mayu ở lại giúp nông dân Việt Nam trồng rau sạch.

Khi dự án kết thúc, nhận thấy người Việt nhiều nơi còn quá khổ, nông dân có ruộng nhưng cách làm nông nghiệp còn thụ động và quá lạm dụng hóa chất cũng như hạt giống nhập ngoại, mà quên mất cách thức làm nông truyền thống, Ino Mayu đã tự lập ra Tổ chức phi chính phủ Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn), kêu gọi tài trợ từ phía Nhật, hàng năm trên 3 tỉ đồng để hướng dẫn nông dân sản xuất rau, nông sản sạch, tìm đầu ra trên thị trường.

Với những trăn trở về việc bảo tồn những giống cây bản địa tại các địa phương. Chị Mayu cho biết:

“Thực tế trồng trọt và so sánh cho thấy việc dùng giống lúa mới vừa mất tiền, năng suất lại không cao như người ta nói. Như cách đây hơn 10 năm, bà con dân tộc được quảng cáo đây là giống lúa tốt, cho năng suất cao. Bà con tin và trồng. Kết quả là giống mới bị sâu bệnh, một loại bệnh mà bà con chưa từng thấy, và dịch bệnh còn lây cả sang các giống cây bản địa, phải mất 3 năm để điều chỉnh. 

Mọi việc tạm ổn với giống cây mới thì đến năm 2009, bà con lại không còn giống mới này để sử dụng do nguồn cấp giống từ Tứ Xuyên – Trung Quốc bị gián đoạn. Cuộc sống lại khó khăn. Trong cái rủi có cái may, bà con quay lại với giống bản địa, loại giống đã qua sàng lọc của tự nhiên, chịu được thời tiết và kháng sâu bệnh mà tổ tiên để lại cho họ".

Yêu đồ ăn Việt, người phụ nữ Nhật hơn 20 năm giúp nông dân Việt trồng rau sạch! - Ảnh 3.

Chị Mayu tư vấn, hỗ trợ cho nông dân trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.

Vừa giải quyết được vấn đề hạt giống, chị Mayu lại tiếp tục bắt tay vào hướng dẫn bà con trồng rau theo phương pháp hữu cơ, tuyệt đối không dùng hóa chất và thuốc hóa học bảo vệ thực vật.

Gian nan đưa rau sạch ra thị trường, cải thiện đời sống của nông dân

Dự án triển khai được một năm, nhà nông quen dần với hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ. Tình cảm giữa bà con nông dân và Mayu trở nên thân thiết. Rồi bất ngờ, những người nông dân này bỏ Mayu chạy theo dự án trồng rau an toàn với lý do đơn giản là họ được hỗ trợ hoàn toàn vật tư nông nghiệp. Việc này đẩy Mayu vào tình thế khó khăn mà có lẽ những bà con nông dân này không lường tới. 

Seed to Table là một dự án phi chính phủ và nhận tiền tài trợ từ các doanh nghiệp cũng như Chính phủ Nhật để hoạt động. Để nhận được tài trợ, Mayu phải trình bày những việc mà tổ chức của chị sẽ làm, trong đó có việc giúp đỡ triển khai nông nghiệp hữu cơ tại xã nêu trên. Do đó, khi nông dân bỏ ngang dự án, ít nhiều ảnh hướng đến kế hoạch mà Mayu cam kết thực hiện với các nhà tài trợ.

Yêu đồ ăn Việt, người phụ nữ Nhật hơn 20 năm giúp nông dân Việt trồng rau sạch! - Ảnh 4.

Mayu có mặt những nơi nông dân cần trợ giúp.

“Cũng một năm sau đó, khi chương trình trồng rau an toàn không còn được hỗ trợ, bà con xin quay lại với tôi nhưng tôi từ chối. Tình cảm là tình cảm, còn công việc là công việc. Tôi không thể làm việc với những người thiếu sự cam kết và thất hứa như vậy”, Mayu chia sẻ.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chị Mayu Ino không hề từ bỏ. Hiện chị đang tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân trồng rau hữu cơ tại nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ. Tham gia các lớp học này, người nông dân không những không đóng tiền học phí mà còn được hỗ trợ chi phí đi học.

Để tăng thêm niềm tin của nông dân vào mô hình, Mayu còn tổ chức đưa nông dân miền Tây ra Hà Nội để tham khảo kinh nghiệm từ những người làm rau hữu cơ thành công. 

Không dừng ở đó, chị còn cố gắng kết nối với các nhà hàng, tổ chức các chương trình ẩm thực - nơi người nông dân trực tiếp giới thiệu sản phẩm họ trồng với các đầu bếp nổi tiếng và người tiêu dùng để qua đó họ có thể giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ rộng rãi hơn đến cộng đồng. 

Bên cạnh các dự án trên, Mayu còn xây dựng “ngân hàng con giống” để cung cấp giống gia súc, gia cầm và kỹ thuật chăn nuôi giúp hơn 1.000 hộ gia đình khó khăn ở Bình Đại cải thiện cuộc sống.